Dấu ấn của tiêu dùng nội địa nhìn từ mảng màu sáng của doanh nghiệp bán lẻ
Báo cáo tài chính năm 2023 được các doanh nghiệp hàng tiêu dùng công bố cho thấy tốc độ tăng trưởng tích cực của các mảng kinh doanh tiêu dùng thiết yếu. Những lĩnh vực khác như sản phẩm công nghệ, hàng xa xỉ..vẫn ảm đạm nhưng mức suy giảm doanh thu và lợi nhuận đã chậm lại rõ rệt...
Kết thúc năm 2023, các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thực phẩm và dược phẩm ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khả quan nhờ tính thiết yếu của sản phẩm.
Một số mô hình bán lẻ hiện đại của các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đơn cử, mô hình chuỗi dược phẩm Long Châu (FPT Retail), Bách Hóa Xanh và An Khang (Thế giới Di động), WinCommerce (Masan).
Theo Công ty chứng khoán VietCap, một đại diện khác là Masan, được giới phân tích ví như đại diện cho sự tăng trưởng tiêu dùng ở Việt Nam, cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận 40% trong mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi năm 2023 (theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý 4/2023 và cả năm 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN).
Masan sở hữu nhiều mảng kinh doanh tiêu dùng từ sản xuất thực phẩm và đồ uống đến mạng lưới bán lẻ toàn quốc. Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VietCap cho thấy, Masan đã duy trì được thị phần dẫn đầu trong một số danh mục FMCG lớn nhất Việt Nam như mì ăn liền, nước mắm/tương và nước tăng lực trong 5 năm qua. Đây cũng là một trong những công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực bán lẻ bách hóa hiện đại với chuỗi cửa hàng Wincommerce).
Doanh thu thuần của Masan trong năm 2023 đạt 78.252 tỷ đồng, tăng 2,7% so với 76.189 tỷ đồng trong năm 2022. Doanh thu quý 4/2023 đạt 20.782 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, Wincommerce ghi nhận doanh thu 30.054 tỷ đồng trong năm 2023 và 7.653 tỷ đồng trong quý 4/2023, tăng lần lượt 2,3% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tác động tích cực của việc mở cửa hàng mới, nâng cấp mô hình cửa hàng. Kết thúc năm 2023, Wincommerce có 3.633 cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc.
Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận 29.066 tỷ đồng doanh thu thuần và 7.431 tỷ đồng EBITDA trong năm 2023. Trong năm 2023, chiến lược “Go Global” với điểm nhấn là thương hiệu CHIN-SU mang lại nhiều kết quả tích cực, đã giúp doanh thu xuất khẩu của MCH tăng lên 1.005 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. MCH tiếp tục đạt được một quý kỷ lục về lợi nhuận, tạo ra mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 30,5% trong năm 2023 so với cùng kỳ, trong khi vẫn duy trì mức hàng tồn kho lành mạnh.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thế giới Di động (MWG) vừa công bố doanh thu thuần đạt hơn 118.000 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 11% so với năm trước và thực hiện được 88% kế hoạch. Trong đó, chuỗi Thế giới Di động (bao gồm cả Topzone) và Điện Máy xanh ghi nhận doanh thu lần lượt hơn 28.000 tỷ đồng và 55.000 tỷ đồng, đều giảm so với năm trước. Tuy vậy, tỷ lệ giảm đã có sự cải thiện liên tục từ mức giảm 34% trong quý 1/2023 (so với quý 1/2022), sang mức giảm 20% trong quý 2, xuống giảm 14% trong quý 3 và còn giảm 7% trong quý 4/2023.
Chuỗi Bách hóa Xanh của MWG đạt 31.600 tỷ đồng doanh thu năm 2023, tăng 17% so với năm trước, riêng quý 4/2023 tăng 31%. Với chuỗi nhà thuốc An Khang, doanh thu cả năm đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước. Còn doanh thu chuỗi Avakids đạt gần 900 tỷ đồng, tăng trưởng 80%.
Một thống kê khác từ Công ty Chứng khoán Shinhan (SSV) cho thấy, trong quá khứ, tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa thường cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.
Về triển vọng, các tổ chức tài chính đánh giá Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế ổn định, cùng dự báo tăng trưởng GDP đạt mức 6-6.5%trong năm2024. Do đó, SSV dự báo tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ sẽ duy trì từ 12-14% YoY ở các năm sau.
Ngoài ra, theo các chuyên gia thị trường, một số chính sách kích cầu từ Chính phủ như gia hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/1 đến 30/6/2024, cải cách tiền lương khu vực công trong năm 2024 cũng sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng của các doanh nghiệp tiêu dùng trong thời gian tới.