Dấu ấn kiến trúc Việt Nam sau nửa thế kỷ đất nước hòa bình, thống nhất
Ngày 27-4 hằng năm, giới kiến trúc sư (KTS) trên toàn quốc cùng nhau kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam. Năm nay, Ngày Kiến trúc Việt Nam có điểm đặc biệt hơn khi diễn ra trong không khí rộn ràng của 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất. Đây là dịp nhìn lại những dấu ấn đầy cảm hứng của kiến trúc Việt Nam nửa thế kỷ để mở ra tương lai sáng tạo mới cho một ngành đặc thù vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật.
Xuất hiện nhiều công trình biểu tượng
Năm 1975, sau khi thống nhất, non sông liền một dải, Việt Nam bước vào thời kỳ tái thiết và xây dựng đất nước. Hậu quả hàng chục năm chiến tranh tàn phá và nền kinh tế lạc hậu, chậm đổi mới gây ra nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ấy, kiến trúc không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng lại trở thành một yếu tố nghệ thuật quan trọng mà các KTS mong muốn thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Giai đoạn 1975-1986 khá đặc biệt đối với kiến trúc nước nhà, đã có nhiều kỳ vọng thông qua những nỗ lực tìm tòi và thể nghiệm. Thành tựu nổi bật của thời kỳ này là kiến trúc nhà ở với nhiều khu tập thể được xây dựng đã giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Ngoài ra, một số công trình công cộng hỗ trợ cho cuộc sống mới. Điển hình là khách sạn Thắng Lợi, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (Hà Nội)... trở thành những biểu tượng của thời kỳ này.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam-công trình kiến trúc tiêu biểu sau 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất. Ảnh: TRIỆU CHIẾN
Với chính sách đổi mới, Việt Nam bước vào chu kỳ thay đổi mạnh mẽ của kinh tế-xã hội bởi những quan điểm mới, khởi đầu một thời kỳ phát triển mang tính đột phá. Kinh tế và đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu xây dựng tăng cao, giới KTS càng có nhiều “đất diễn”. Năm 1995, khi Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, lệnh cấm vận được dỡ bỏ đã làm xuất hiện những dòng chảy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kéo theo những xu hướng thiết kế kiến trúc mới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thế giới. Đây cũng chính là tiền đề cho sự hình thành Giải thưởng kiến trúc quốc gia vào năm 1994 nhằm thúc đẩy những sáng tạo kiến trúc, tôn vinh các tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc, đồng thời góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc.
Tuy cánh cửa hội nhập được mở rộng hơn, giới thiết kế kiến trúc đã bình tĩnh để nhìn thế giới. Họ đã bắt đầu có những đánh giá và phân tích về ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực từ các trào lưu, xu hướng thiết kế sáng tạo kiến trúc trên thế giới được du nhập vào Việt Nam. Các KTS Việt Nam cũng quen dần và chủ động hơn trong việc thiết kế sáng tạo kiến trúc trước sự xuất hiện những hình thức kiến trúc cùng những cách thức thiết kế tương ứng được đưa đến từ thế giới bên ngoài. Các công trình kiến trúc đã có những cách thức thể hiện mới, tiêu biểu như: Đài Tưởng niệm liệt sĩ tỉnh Tuyên Quang, Khu nhà ở Ngoại giao đoàn (Hà Nội), Khu du lịch Mũi Né (Bình Thuận), Nhà ga T1-Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Trung tâm Hội chợ triển lãm thương mại và văn hóa Hải Phòng, Đền thờ Âu Cơ (Phú Thọ), Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội)...
Kể từ năm 2010, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được cải thiện khi chính thức thoát khỏi nhóm các quốc gia nghèo nhất trên thế giới và gia nhập nhóm có thu nhập trung bình thấp. Giai đoạn này đã chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các KTS trong và ngoài nước của nhiều dự án kiến trúc, đặc biệt là những dự án lớn mang giá trị biểu tượng, dấu ấn cho sự phát triển của các đô thị. Chính vì vậy, những công trình kiến trúc mang phong cách đương đại, quốc tế với chất lượng thiết kế và sự sáng tạo cao trong xử lý hình thức, thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều, chẳng hạn như Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội), Nhà ga Hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Dolphin Plaza (Hà Nội), Flamingo Dai Lai Resort (Vĩnh Phúc)... Đặc biệt, năm 2014, sau 20 năm hình thành, giải thưởng kiến trúc quốc gia đã trao Giải thưởng Lớn đầu tiên cho công trình Nhà Quốc hội bởi tính đột phá đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc.
Hưởng ứng Mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc đưa ra năm 2015, kiến trúc Việt Nam đã chú trọng phát triển theo hướng đáp ứng những yêu cầu, xu thế thời đại về nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đô thị thông minh. Một trong những khung pháp lý quan trọng chính là sự ra đời của Luật Kiến trúc vào năm 2019 với những quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Luật này cũng khẳng định kiến trúc là lĩnh vực tạo lập môi trường sống bền vững, đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội.
Chính vì vậy, giai đoạn này chứng kiến nhiều công trình kiến trúc có chất lượng, đáng chú ý như: Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, công viên Đất nung Thanh Hà (Quảng Nam), Nhà Bắc Hồng (Hà Nội), Viettel Academy Educational Center (Hà Nội), Nhà Bình Dương Thuận An (Bình Dương), Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, Trung tâm Hội nghị Bình Định, Viettel Group Headquarters (Hà Nội), Ngôi nhà Đức tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Gốm Bát Tràng (Hà Nội), The Park (Nghệ An), Nhà ga hành khách T2-Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (TP Huế)... Gần đây nhất, Giải thưởng kiến trúc quốc gia 2024-2025 đã quyết định trao Giải thưởng Lớn thứ hai cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ bởi chất lượng vượt trội về thiết kế, thi công mà còn chứa đựng giá trị xã hội và tính biểu cảm hình tượng sâu sắc.
Dự báo những hướng phát triển mới của kiến trúc
Đảng ta đã đặt quyết tâm đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong chiến lược phát triển ngành xây dựng định hướng đến năm 2045 cũng đã thể hiện rõ mong muốn các công trình kiến trúc sáng tạo, bảo đảm các tiêu chí hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tạo lập môi trường sống bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà Quốc hội là công trình đầu tiên đoạt Giải thưởng Lớn Giải thưởng kiến trúc quốc gia. Ảnh: TƯỜNG ĐĂNG
Để đạt được những mong muốn đó, ngay từ bây giờ, một số xu hướng thực hành kiến trúc đã bắt đầu được các KTS Việt Nam thử nghiệm, tìm tòi giải pháp thiết kế sáng tạo. Xu hướng công nghệ hóa và thông minh hóa kiến trúc bởi ảnh hưởng mạnh mẽ từ Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo nên những cuộc cách mạng trong kiến trúc trên nhiều phương diện, điển hình như các xu hướng kiến trúc tham số thể hiện công nghệ hóa trong thiết kế, kiến trúc module (hợp phần) thể hiện công nghệ hóa trong xây dựng, hay kiến trúc thông minh thể hiện công nghệ hóa trong vận hành.
Khi tác động của quá trình toàn cầu hóa ngày càng cao, Việt Nam sẽ càng chứng kiến xu hướng bản địa hóa kiến trúc, đặc biệt là sáng tạo những văn hóa kiến trúc mới đậm đà bản sắc dưới hình thức kiến trúc tân bản địa hay là những kiến trúc toàn cầu thích ứng địa phương.
Trước các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu, kiến trúc trở thành một lĩnh vực quan trọng trong việc thể hiện trách nhiệm của Việt Nam thông qua các xu hướng xanh hóa, sinh thái hóa, bền vững hóa với hàng loạt công trình kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc sinh-khí hậu, kiến trúc hiệu quả năng lượng và kiến trúc bền vững.
Trước những biến chuyển mới về kinh tế-xã hội của đất nước và của thế giới, xu hướng tái sử dụng thích ứng, tái phát triển bền vững sẽ tiếp thêm một luồng sức sống mới cho các công trình di sản trên cơ sở phát huy giá trị những kiến trúc mang dấu ấn nghệ thuật hay ký ức của một thời.