Dấu ấn lịch sử, văn hóa trong ngân hàng tên đường, phố

Đồng Nai đang hoàn thiện dự thảo Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Đồng Nai để ban hành quyết định. Đây không chỉ là hoạt động quan trọng trong việc quản lý hành chính, quản lý đô thị, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa.

Tên đường mang dấu ấn lịch sử, văn hóa nên có giá trị về mặt giáo dục. Ảnh: H.YẾN

Tên đường mang dấu ấn lịch sử, văn hóa nên có giá trị về mặt giáo dục. Ảnh: H.YẾN

Trong số hơn 800 tên được đề xuất trong ngân hàng, có nhiều địa danh, nhân vật lịch sử, văn hóa gắn liền với quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của đất Đồng Nai.

* Chuẩn bị kỹ lưỡng

Để có căn cứ xây dựng ngân hàng tên đường, cuối tháng 6-2023, Sở VH-TTDL đã ban hành văn bản về việc rà soát hiện trạng, đề xuất tên phục vụ xây dựng Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh Đồng Nai gửi đến các sở, ban, ngành, địa phương. Qua đó, Sở VH-TTDL nhận được đề xuất của các cơ quan, đơn vị; đồng thời, tiến hành thu thập dữ liệu, rà soát, bổ sung nguồn, chọn lọc hoàn chỉnh dự thảo ngân hàng tên đường với 838 tên.

Tiếp đó, Sở VH-TTDL tổ chức lấy ý kiến hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng tỉnh, sở, ban, ngành và đoàn thể trong tỉnh. Sau khi xây dựng dự thảo, lấy ý kiến về dự thảo, Sở VH-TTDL lại tiếp tục tổ chức thêm hội thảo khoa học để tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các sở, ban, ngành, địa phương và từ các nhà nghiên cứu văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Việc xây dựng dự thảo ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không chỉ kế thừa từ nguồn tên có sẵn, mà còn có sự ghi nhận, tiếp thu ý kiến từ nhiều nguồn. Cùng với đó, Sở VH-TTDL cũng xây dựng dự thảo quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh ban hành quyết định.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, 2 văn bản này giống như cơ sở pháp lý để các địa phương trong tỉnh áp dụng khi đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Đây là việc làm cần thiết, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính trên địa bàn. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho nhân dân.

* Dấu ấn lịch sử, văn hóa trong tên đường

Theo ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, việc xây dựng ngân hàng tên đường nên được sắp xếp theo phân kỳ lịch sử (cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại) và tuyến tính nhân vật lịch sử. Trên cơ sở phân kỳ lịch sử để chọn các vị vua hiền, các vị anh hùng, danh nhân văn hóa - lịch sử; danh nhân có công trong việc khai phá, mở cõi phương Nam; các nhân vật, danh nhân yêu nước, nhà văn hóa trước thời kỳ thành lập Đảng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam; lãnh đạo địa phương, các nhân vật có công trong phong trào kháng chiến ở địa phương; các nhà văn hóa thời kỳ hiện đại…

Theo dự thảo, Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm 838 tên, được chia thành 5 nhóm gồm: nhóm tên địa danh (địa danh đất nước, địa danh Đồng Nai); nhóm tên danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội; nhóm tên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của Đồng Nai; nhóm tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia và địa phương; nhóm tên danh nhân.

Cùng với đó, ngân hàng tên cũng cần có nhóm địa danh, khái niệm (dân chủ, tự do, thống nhất, đoàn kết…); tên của các loài cây cỏ tự nhiên; các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, địa phương…

Ngoài nhóm tên địa danh, danh nhân chung của đất nước, Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có phần lớn là các địa danh, nhân vật văn hóa, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tỉnh. Trong đó, được đề xuất nhiều nhất là các địa danh, danh nhân, nhân vật gắn liền với Đồng Nai trong kháng chiến.

Chẳng hạn, ngoài địa danh Bình Phước - Tân Triều (chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đồng Nai) và các lãnh đạo Đảng gắn liền với địa danh này, H.Vĩnh Cửu còn đề xuất đưa tên già làng Năm Nổi vào ngân hàng tên đường; một số văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai cũng được đề xuất đưa vào ngân hàng tên này.

Chiếm số lượng nhiều trong dự thảo Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là nhóm tên các bà mẹ Việt Nam anh hùng, với hơn 260 mẹ. Danh sách này bao gồm cả các bà mẹ Việt Nam anh hùng người tại chỗ, tham gia kháng chiến tại chỗ; các bà mẹ Việt Nam anh hùng không sinh ra ở Đồng Nai nhưng có con tham gia kháng chiến ở Đồng Nai, các bà mẹ Việt Nam anh hùng chuyển đến sinh sống tại Đồng Nai sau năm 1975.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202312/dau-an-lich-su-van-hoa-trong-ngan-hang-ten-duong-pho-c5e428e/