Dấu ấn mặt nạ Việt Nam tại triển lãm nghệ thuật châu Á ở Ấn Độ
Từ ngày 12-23/7, tại Bảo tàng Thủ công Quốc gia ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ diễn ra triển lãm 'Pratirupa: Mặt nạ trong sự giao thoa văn hóa châu Á', trong đó giới thiệu bộ sưu tập ấn tượng gồm gần 100 mặt nạ nghi lễ và trình diễn đến từ nhiều quốc gia châu Á.

Mặt nạ thủ công dân gian đặc trưng của Ấn Độ.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Pratirupa là sáng kiến chung của Bảo tàng Thủ công Quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian và Bộ lạc Purvasha, và Trung tâm Nghệ thuật Odi, bang Odisha, miền Đông Ấn Độ.
Bộ sưu tập trưng bày các mặt nạ đến từ Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Sri Lanka và Myanmar, tái hiện chiều sâu tâm linh, nghi lễ và sân khấu độc đáo của từng nền văn hóa. Bên cạnh đó, Pratirupa còn giúp công chúng khám phá biểu tượng chung, các câu chuyện thiêng liêng và truyền thống trình diễn cổ xưa trong nghệ thuật chế tác mặt nạ trên khắp châu Á, mở ra góc nhìn sâu sắc về sự tương đồng văn hóa vượt qua mọi biên giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Junhi Han - Trưởng Ban Văn hóa Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) - nhấn mạnh: “Trong một thế giới đầy chia rẽ, triển lãm này là minh chứng cho sự gắn kết văn hóa sâu sắc của chúng ta. Những chiếc mặt nạ không chỉ là hiện vật văn hóa mà còn là biểu đạt của bản sắc, nghi thức và ký ức. Chúng nhắc chúng ta nhớ đến tính nhân văn chung trải dài trong các nền văn minh cổ đại châu Á”.

Mặt nạ truyền thống Ấn Độ được trưng bày tại triển lãm.
Giáo sư S. K. K. Basa - Chủ tịch Cơ quan Di tích Quốc gia Ấn Độ - cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn nghệ thuật dân gian và bộ lạc. Ông nói: “Chúng ta cần tiếp tục tôn vinh và gìn giữ di sản phi vật thể của khu vực. Pratirupa là một bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu đó”.
Trong bộ sưu tập này, người xem có thể thấy một loạt mặt nạ đại diện cho con người, linh hồn, quỷ dữ, thần linh, động vật và hình dạng nhân hóa… Có thể chia bộ sưu tập thành các nhóm: Mặt nạ thiêng được dùng để xoa dịu các vị thần tà ác và được sử dụng trong các nghi lễ hơn là nghệ thuật trình diễn; mặt nạ tượng trưng cho tổ tiên, bảo vệ sự an lành cho gia đình; mặt nạ dùng để kể chuyện thông qua các hoạt động nghệ thuật trình diễn…
Chất lượng nghệ thuật của các mặt nạ khác nhau tùy theo nền văn hóa, đồng thời phản ánh chất lượng thẩm mỹ ở mọi cấp độ mà không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay sắc tộc.

Các mặt nạ truyền thống châu Á được trưng bày tại triển lãm.
Ảnh hưởng của hệ sinh thái đến truyền thống mặt nạ có thể được nhìn thấy từ vật liệu sử dụng làm mặt nạ và nội dung sáng tạo. Trong triển lãm này, các mặt nạ chủ yếu được làm từ gỗ, giấy bồi, tre, đất nung và kim loại.
Tại triển lãm, công chúng cũng có dịp thưởng thức nét đặc sắc của văn hóa dân gian Việt Nam qua mặt nạ Lễ hội Thu hoạch. Được chạm khắc từ gỗ, chiếc mặt nạ mô phỏng gương mặt một cụ già hằn sâu dấu vết thời gian thường xuất hiện trong các vở kịch dân gian gắn liền với lễ hội mừng mùa màng bội thu. Không chỉ là đạo cụ biểu diễn, chiếc mặt nạ còn là biểu tượng của trí tuệ, sự viên mãn và niềm hân hoan trong đời sống nông nghiệp truyền thống.
Trọng tâm của triển lãm Pratirupa là ca ngợi những yếu tố thống nhất định hình nên sự giao thoa giữa quá trình tư duy và tầm nhìn của con người vượt ra ngoài rào cản văn hóa. Thực tế, sáng tạo nghệ thuật trong xã hội loài người là sự lan tỏa của vạn vật.

Nghệ sĩ biểu diễn với mặt nạ truyền thống Ấn Độ.
Trong thế giới hối hả ngày nay, nơi nghề thủ công đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn đang dần bị mai một, triển lãm Pratirupa là không gian quý báu để giúp công chúng nhìn lại, thấu hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa sâu sắc được lưu giữ qua từng tác phẩm nghệ thuật truyền thống.
Đây không chỉ là nơi chiêm ngưỡng nghệ thuật mà còn là dịp để kết nối với cội nguồn, cảm nhận tinh thần dân tộc và khám phá sự giao thoa độc đáo giữa các nền văn hóa châu Á qua lăng kính của những chiếc mặt nạ mang tính biểu tượng vùng miền.