Dấu ấn mới ở Di tích nhà tù Hỏa Lò

Được biết đến là đơn vị đi đầu về phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Hà Nội với chuỗi show diễn 'Đêm thiêng liêng', thời gian qua, Di tích nhà tù Hỏa Lò tiếp tục đổi mới hoạt động trưng bày bằng việc lồng ghép hoạt cảnh với nội dung chủ đề chính.

Cách làm này cho thấy sự sáng tạo của đội ngũ thực hiện nội dung chương trình, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho hoạt động trưng bày chuyên đề tại di tích.

Khách tham quan nghe thuyết minh về trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng”.

Khách tham quan nghe thuyết minh về trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng”.

Thắp lên ngọn lửa lịch sử

Đã thành thông lệ, vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, Ban quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò lại tổ chức những trưng bày ý nghĩa, có nội dung xuyên suốt, gắn với các sự kiện lịch sử của dân tộc. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm nay cũng vậy. Trưng bày “Thắp ngọn lửa hồng” không chỉ là dịp giúp các cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng ôn lại những năm tháng chiến đấu, bị giam giữ tại các nhà tù đầy khắc nghiệt mà còn là dịp để thế hệ trẻ được biết thêm về truyền thống hào hùng của cha ông.

Thông qua 250 hình ảnh, tư liệu, trưng bày "Thắp ngọn lửa hồng" mang đến câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, giam trong các nhà tù. Họ nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư và cả tính mạng của mình để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Mặc dù bị đọa đày nơi ngục tối, họ luôn kiên gan, bền chí trước các trận đòn tra tấn thấu xương, “thắp sáng” niềm tin về thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Những nội dung ấy không chỉ được thể hiện sinh động qua những hình ảnh, trang báo, những lá thư viết tay mà còn được tái hiện qua hoạt cảnh về cuộc hội ngộ ngắn ngủi trong nhà tù Hỏa Lò của gia đình đồng chí Mai Ngọc Thuyết - Nguyễn Văn Mẫn vào năm 1933. Sau đám cưới giản dị (tháng 3 năm 1930), vì nhiệm vụ cách mạng, hai người phải xa nhau. Cuối năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn bị địch bắt, giam tại các nhà tù Bắc Giang, Bắc Ninh, Sơn La, Hỏa Lò. Năm 1933, lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Văn Mẫn được gặp lại mẹ con đồng chí Mai Ngọc Thuyết tại nhà tù Hỏa Lò trước khi bị lưu đày ở Côn Đảo. Đây cũng là lần gặp cuối cùng của gia đình nhỏ bởi 10 năm sau (1943), đồng chí Nguyễn Văn Mẫn hy sinh do chế độ tù đày khắc nghiệt.

Sự nhập tâm của các diễn viên Nguyễn Thị Vân (chiến sĩ Mai Ngọc Thuyết), Nguyễn Văn Hiếu (chiến sĩ Nguyễn Văn Mẫn), Lâm Cương (cai ngục) và bé Nguyễn Vũ Nhật Anh (2 tuổi rưỡi, vai con gái Hồng Tuyến) đã mang lại niềm xúc động dâng trào cho người xem. Không ít đồng chí từng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Phú Quốc, căng Hanh Thông Tây (thành phố Hồ Chí Minh)... đã không cầm được nước mắt.

Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà, 97 tuổi, Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954) rưng rưng chia sẻ: “Trưng bày "Thắp ngọn lửa hồng" giúp chúng tôi nhớ lại những năm tháng bị địch bắt giam, tra tấn tại “địa ngục trần gian” - nhà tù Hỏa Lò. Nhiều chiến sĩ cách mạng đã dũng cảm hy sinh nhưng nhất định không chịu khuất phục kẻ thù. Những hình ảnh, tư liệu và hoạt cảnh được tái hiện chân thực, khiến chúng tôi vô cùng xúc động và cảm thấy tự hào vì mỗi tấc đất là một kỷ niệm, là xương máu của những người tù cách mạng”.

Mang “hơi thở mới” đến với di tích

Việc lồng ghép hoạt cảnh tái hiện một phần nội dung trong tổng thể trưng bày không chỉ mang lại nhiều cảm xúc mà còn giúp công chúng hiểu hơn về bối cảnh lịch sử cùng những câu chuyện liên quan. Đây cũng là cách giáo dục truyền thống hiệu quả đối với giới trẻ.

Em Nguyễn Ngọc Bảo Châu, học sinh Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Em rất ấn tượng với trưng bày này, bởi thông tin về các nhân vật cùng những diễn biến lịch sử đã được tái hiện chân thực, khách quan, cho em cảm giác như được sống trong đúng giờ khắc ấy. Được gặp các bác cựu chiến binh, em càng thêm khâm phục sự hy sinh của họ và ý thức rõ hơn về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị của lịch sử để xây dựng đất nước”.

Chia sẻ niềm tự hào khi được hóa thân vào vai chiến sĩ Mai Ngọc Thuyết, diễn viên trẻ Nguyễn Thị Vân cho biết, cái khó là làm thế nào khắc họa đúng tính cách, khí chất của một chiến sĩ cộng sản kiên trung.

“Cuộc gặp gỡ đầy xúc động cũng chính là cuộc chia ly mãi mãi giữa các thành viên trong gia đình chiến sĩ Mai Ngọc Thuyết - Nguyễn Văn Mẫn. Mặc dù hoạt cảnh chỉ kéo dài khoảng 20 phút, nhưng chúng tôi đã cùng e kíp nội dung của Di tích nhà tù Hỏa Lò làm việc hết mình trong hơn 1 tháng để tìm hiểu, đọc nhiều tài liệu liên quan nhằm khắc họa sự đau đớn, giằng xé nhưng vẫn tràn đầy tinh thần kiên trung của các nhân vật” - diễn viên Nguyễn Thị Vân nói.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đánh giá, việc đưa hoạt cảnh vào trưng bày là cách làm mới, tạo điểm nhấn và sự khác biệt so với cách trưng bày truyền thống của các di tích và bảo tàng hiện nay. Với cách làm bài bản, nghiên cứu khai thác tư liệu lịch sử một cách chọn lọc, chương trình lần này có quy mô toàn diện, nội dung sâu sắc, có sự kết hợp hài hòa giữa các tư liệu lịch sử với phương pháp trưng bày khoa học và đầy tính nghệ thuật. Đây cũng là “nén tâm hương” nhằm tri ân sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ cách mạng, các anh hùng liệt sĩ, cựu chiến binh đã chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cách làm này cũng mang đến cho Di tích nhà tù Hỏa Lò một “hơi thở mới”, gia tăng sức hấp dẫn cho hoạt động giáo dục di sản để “kéo” khách tham quan đến với di tích ngày một nhiều hơn.

Bảo Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dau-an-moi-o-di-tich-nha-tu-hoa-lo-672652.html