Dấu ấn 'nghị quyết tam nông' ở Mai Sơn

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại huyện Mai Sơn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở nhiều mặt, lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến tích cực. Bộ mặt nông thôn khang trang, khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Giai đoạn 2008-2020, huyện đã huy động gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, ngân sách Trung ương trên 643 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, huyện gần 870 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác. Huyện đã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn...

Thành viên HTX Dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn) đóng gói dâu tây.

Thành viên HTX Dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi (Mai Sơn) đóng gói dâu tây.

Điều khẳng định là, Mai Sơn đã phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; rà soát, xác định nhóm cây con chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm một số nông sản. Trong nông nghiệp, nổi bật là cơ cấu cây trồng giá trị cao, hình thành vùng sản xuất tập trung. Đến nay, toàn huyện có trên 10.800 ha cây ăn quả, tăng trên 422% so với năm 2008, sản lượng quả ước đạt trên 55.000 tấn. Có 376 ha được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; 437 ha được cấp chứng nhận VietGAP; 1.200 ha được cấp mã số vùng trồng, nhiều loại sản phẩm có thương hiệu, chất lượng đảm bảo đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, phục vụ chế biến và xuất khẩu, nhiều diện tích cho thu nhập từ 300 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện có trên 16.000 ha cây công nghiệp, tăng 142% so với năm 2008.

Nét mới ở đây là huyện khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ sở chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn có 8 cơ sở chế biến nông sản, gồm: Cà phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại cho nông dân. Hiện, các nhà máy đã ký kết bao tiêu sản phẩm với hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn.

Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương, thông tin: Nghị quyết số 26 về chính sách tam nông đã tác động làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Hiện, toàn xã trồng trên 320 ha cây ăn quả, gần 1.400 ha mía. Tham gia liên kết trồng mía, người dân được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thỏa thuận giá thu mua ngay từ đầu vụ. Từ khi trồng cây mía, thu nhập trên cùng đơn vị diện tích tăng lên so với các loại cây trồng trước, vì vậy xã xác định cây mía là cây xóa đói, giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay.

Song song với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, huyện Mai Sơn đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền, vận động, triển khai chính sách hỗ trợ của tỉnh cho các tổ chức, cá nhân phát triển hình thức kinh tế hợp tác, huy động nội lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước hình thành dịch vụ cung ứng thiết bị, vật tư tại chỗ phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 127 HTX, liên hiệp HTX với gần 1.400 thành viên; trong đó, có 107 HTX nông nghiệp, 20 HTX phi nông nghiệp.

Là một trong những HTX trồng cây ăn quả, HTX Quỳnh Nghĩa, xã Chiềng Sung có 7 thành viên trồng 10 ha chanh leo. Anh Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc HTX giới thiệu: Các thành viên HTX đã áp dụng các kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, kỹ thuật cắt tỉa, vệ sinh vườn, phục hồi cho cây sau thu hoạch, sử dụng sổ nhật ký ghi chép sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX đứng ra thu mua, sơ chế sản phẩm quả chanh leo của bà con để xuất bán cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Hiện, ngoài các thành viên HTX, hàng chục hộ gia đình ở bản Cang đã liên kết cùng HTX phát triển 20 ha cây chanh leo. Nhờ vậy, bản chỉ còn 3 hộ nghèo.

Mô hình trồng cây ăn quả của thành viên HTX Trường Tiến, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây ăn quả của thành viên HTX Trường Tiến, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ các chính sách đầu tư cho “Tam nông” đã tác động tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của huyện Mai Sơn, nhất là vùng nông thôn. Đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, hết năm 2021, thu nhập bình quân đạt 39,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,6% năm 2021. Đến nay, huyện Mai Sơn có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã nông thôn mới nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn đáp ứng cơ bản nhu cầu trước mắt về sản xuất và đời sống. Văn hóa, giáo dục, y tế duy trì và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, huyện Mai Sơn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung quy mô, khai thác tối ưu những lợi thế của từng địa phương tạo ra sản phẩm chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường; tăng cường chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, hộ gia đình. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có trên 14.000 ha cây ăn quả; xây dựng và hình thành 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại...

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dau-an-nghi-quyet-tam-nong-o-mai-son-46908