Dấu ấn nhà đầu tư F0
Nhiều người không rành thị trường chứng khoán nhưng vẫn thắng lớn khi mua cổ phiếu trong năm 2020
Năm 2020 và những đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn. Trong đó có sự tham gia tích cực của nhà đầu tư đẩy dòng tiền tăng mạnh gấp 3 lần so với năm ngoái. Đáng chú ý, lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) đã giúp thị trường sôi động hơn bao giờ hết.
Các chuyên viên môi giới cho biết cũng đã hơn 10 năm rồi, từ những năm 2007-2008, thị trường chứng khoán mới sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư như vậy. Nhiều người chưa biết gì về chứng khoán nhưng cũng rất hào hứng tham gia đầu tư. Ví dụ trường hợp chị Hồng Tâm (nhà ở quận Bình Thạnh, TP HCM), khi thấy thị trường tăng mạnh mẽ những tháng cuối năm 2020, chị cùng một vài người bạn tham gia một khóa học về đầu tư chứng khoán, sau đó mở tài khoản và bỏ vào 200 triệu đồng rồi nhờ nhân viên môi giới tư vấn mua bán cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong vòng chưa đầy 1 tháng, tài sản của chị lên 238 triệu đồng. "Tin tưởng môi giới nên tôi nhờ họ chọn mã chứng khoán ổn định, rồi theo dõi giao dịch, thấy lời thì tôi bán thôi. Sau đó, tôi tiếp tục mua mã bất động sản nhưng lời ít hơn"- chị Tâm chia sẻ.
Anh Toàn (nhà quận 7, TP HCM), chủ doanh nghiệp về logistic, từng mở tài khoản để nhận cổ phiếu ưu đãi (ESOP) của công ty cũ chứ không tham gia đầu tư. Sau Tết Nguyên đán 2020, dịch bệnh bùng phát, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, anh không biết làm gì nên quyết định tìm hiểu và đầu tư chứng khoán. Do ít kiến thức, anh Toàn chủ yếu nhờ một người thân đang làm môi giới một công ty chứng khoán tư vấn mua bán cổ phiếu. Nhờ chọn đúng điểm rơi của thị trường, từ số vốn 1 tỉ đồng ban đầu, đến cuối năm 2020, cả vốn và lãi anh Toàn kiếm được hơn 7 tỉ đồng. "Danh mục đầu tư của tôi có khoảng 10 mã chứng khoán, chủ yếu các mã bluechips ngành chứng khoán, ngân hàng. Lúc hết tiền, tôi mạnh dạn vay thêm tiền của công ty chứng khoán (margin). Vừa rồi, khi VN-Index vượt 1.100 điểm, ai cũng nghĩ thị trường sẽ lên nữa nhưng tôi vẫn quyết định chốt lời, số tiền thu về được hơn 15 tỉ đồng. Hiện giờ tôi chỉ đầu tư thăm dò 2-3 tỉ đồng cho một số mã bluechips là HPG, TCB... chờ qua Tết thị trường ổn định sẽ đầu tư mạnh hơn" – anh Toàn bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi vì sao dám đổ tiền mạnh vào thị trường chứng khoán dù dịch bệnh, kinh tế suy giảm, giám đốc tài chính một doanh nghiệp cho biết: "Lúc đại dịch bùng phát, sếp tôi đưa ra ý kiến về việc tham gia mua cổ phiếu khi thị trường giảm sâu. Bởi thời điểm đó giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất của công ty dừng hẵn, doanh thu sụt giảm mạnh, để có được 1 đồng doanh thu thời điểm đó thực sự còn khó hơn kiếm 10 đồng lợi nhuận nên chúng tôi đánh liều tham gia thị trường chứng khoán. Và thực tế, việc tham gia đầu tư thời điểm đó được xem là đúng đắn, khi số tiền 25 tỉ đồng của công ty, chúng tôi phân bổ đều cho những mã có tiềm lực, bluechips, đến nay, số tiền đã tăng lên 38 tỉ đồng" - vị giám đốc tài chính này kể.
Cụ thể, ông đã đại diện công ty đầu tư mã TCB (Techcombank) từ giá 23.000 đồng/cổ phiếu sau đó bán với giá 34.000 đồng/cổ phiếu, tỉ suất sinh lời 40% chỉ trong một tháng. Sau đó, ông mua mã STB với giá bình quân 18.000 đồng/cổ phiếu và bán với giá 21.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức sinh lời 20%.
Cũng mới tham gia thị trường, ông Trần Thiên Tôn (ngụ quận 3, TP HCM) đã thắng lớn khi nghe theo lời tư vấn của môi giới mua mã cổ phiếu ngành bất động sản công nghiệp. "Tôi mua mã SZC giá 12.000 đồng và bán ra lúc 44.000 đồng, còn KBC tăng từ 17.000 đồng/cổ phiếu lên 45.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 2 tháng. Tạm gọi là nhà đầu tư may mắn, kiếm được lợi nhuận tốt nhưng tôi cũng sẽ không chủ quan trong năm 2021 mà sẽ thận trọng nghe ngóng tình hình dịch bệnh, kinh tế mới ra quyết định mua bán" - anh Tôn chia sẻ.
Tuy vậy, không phải nhà đầu tư F0 nào cũng thắng lớn. Cơn "sóng thần" ập tới làm choáng váng cả thị trường vào những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, đặc biệt là các nhà đầu tư F0.
Đang học Khoa Quản trị Kinh doanh- Đại học Hutech, Thanh Châu đã mở tài khoản vào đầu tư chứng khoán trong năm nay sau khi dành 1 năm tìm hiểu về các thông tin liên quan chỉ số P/E, báo cáo tài chính... "Đến cuối năm 2020, em chỉ lãi được 10% nhưng không chịu chốt lời. Vừa rồi thị trường giảm mạnh, em bán không kịp, đành chịu lỗ 30% tài khoản"- Châu tâm sự.
Tính đến hết năm 2020, VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 và tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019. HNX Index cũng tăng 98,1% so với cuối năm 2019. Thanh khoản của thị trường tăng mạnh lên mức cao kỷ lục, với giá trị bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.420 tỉ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Riêng trong quý IV/2020, giá trị giao dịch bình quân đạt mức kỷ lục 11.593 tỉ đồng/phiên.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước tăng 16,7% so với cuối năm 2019. Trong đó, số lượng tài khoản trong nước đạt gần 2,74 triệu tài khoản tăng 16,8% so với cuối năm 2019. Nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng 9%, đạt 35.071 tài khoản
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/dau-an-nha-dau-tu-f0-20210214084809331.htm