Dấu ấn những thành tựu
Cải cách hành chính (CCHC) được xem là 'đòn bẩy', là 'chìa khóa' để mở cánh cửa thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì thế, nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp Thanh Hóa lựa chọn 'Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn', là khâu đột phá để thực hiện. Sau 4 năm triển khai, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của cả giai đoạn đạt và vượt kế hoạch đề ra đã minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong hành trình cải cách và đổi mới.
Nhiều năm về trước, các Chỉ số PAR INDER, SIPAS, PAPI, PCI của Thanh Hóa luôn không ổn định và thường xếp ở nhóm cuối của cả nước. Quyết tâm cải thiện mạnh mẽ vị trí xếp hạng, nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện Chỉ số PCI tỉnh Thanh Hóa; Ban Chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử; Ban Xúc tiến đầu tư đặc biệt... Nhiều hội nghị thảo luận, phân tích, đánh giá các chỉ số cũng được tỉnh tổ chức để bàn giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở đã giúp Thanh Hóa xác lập được kỷ lục mới trên bảng xếp hạng các chỉ số. Năm 2022, lần đầu tiên Thanh Hóa có tới 3/4 chỉ số là PAPI, PAR INDEX và SIPAS vươn lên nằm trong top 10 cả nước. Năm 2023, các chỉ số này tiếp tục nằm ở vị trí cao trên bảng xếp hạng.
Với tinh thần cải cách liên tục và xuyên suốt, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đặt ra trong kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021-2025” đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sau 4 năm thực hiện, 100% văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương được cụ thể hóa và triển khai kịp thời; 100% văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với quy định của Trung ương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số cơ chế, chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư đã được bổ sung, hoàn thiện. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) giải quyết đúng hạn đạt từ 98% trở lên...
Trong cải cách TTHC, từ năm 2021 đến tháng 9/2024, các ngành, các cấp tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 328 quyết định công bố danh mục 671 TTHC mới ban hành, 2.160 TTHC được sửa đổi, bổ sung, 640 TTHC bãi bỏ vì không còn phù hợp; ban hành và đưa vào thực hiện theo hình thức liên thông cùng cấp đối với 556 TTHC. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu cả nước. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh cung cấp 1.710 dịch vụ công trực tuyến, được tích hợp, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp người dân giải quyết TTHC được thuận lợi, dễ dàng. Thanh Hóa cũng là địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp; là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu ngành thuế và ngành giao thông - vận tải, góp phần chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.
Cùng với CCHC, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Định kỳ ngày 21 hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với các sở, ngành duy trì lịch tiếp doanh nghiệp; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và mở rộng đầu tư phát triển. HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm định hướng thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật như Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026; Nghị quyết số 319/2022/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của bảng giá các loại đất thời kỳ 2020-2024; Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa... Các sở, ngành, đơn vị cũng đã hoàn thành việc rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn lớn, dự án lớn ở Thanh Hóa trong những năm gần đây là minh chứng cho hướng đi đúng của tỉnh trong đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới tư duy phát triển kinh tế. Vì thế, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát nhưng từ năm 2021 đến tháng 9/2024, toàn tỉnh vẫn thu hút được 350 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 55 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 58.480 tỷ đồng và 831,6 triệu USD. Toàn tỉnh cũng đã thành lập mới được 13.552 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 122.817 tỷ đồng. Nền kinh tế của tỉnh những năm gần đây luôn giữ tốc độ tăng trưởng khá và toàn diện, năng lực cạnh tranh được nâng cao và luôn đứng trong top đầu cả nước. Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn và các nước ngày càng được củng cố và mở rộng. Vị thế và uy tín của tỉnh trong việc thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư ngày càng được nâng lên.
Tại hội nghị nghe báo cáo kết quả thực hiện khâu đột phá về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021-2025” diễn ra vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Nguyễn Văn Thi đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện. Bước tiến mới với những thành quả nổi bật mà tỉnh Thanh Hóa đạt được là rất phấn khởi. Song, không vội hài lòng với kết quả đạt được, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, phấn đấu hoàn thành cao nhất tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại trong năm 2025.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-dau-an-thanh-tuu-230085.htm