Dấu ấn nổi bật của Cục Điều tiết điện lực năm 2024
Cục Điều tiết Điện lực đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2024, nhờ bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Điểm nhấn quan trọng là việc xây dựng Luật Điện lực số 61/2024/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, thay thế Luật Điện lực số 28/2004/QH11. Luật mới không chỉ tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế mà còn tạo đột phá trong phát triển ngành năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hàng loạt điểm mới của Luật Điện lực (sửa đổi)
Luật Điện lực số 61/2024/QH15 được xây dựng dựa trên các nghị quyết quan trọng của Đảng và Quốc hội, hướng tới đổi mới cơ chế, phát triển thị trường năng lượng hiện đại, đồng bộ và hiệu quả. Cục Điều tiết điện lực (ĐTĐL) đã chủ động rà soát, bãi bỏ các quy định lỗi thời, bổ sung chính sách cải cách như cơ chế giá điện theo thị trường, giảm dần bù chéo giá điện và thúc đẩy mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phù hợp với thực tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng đúng quy trình pháp luật, đảm bảo trình tự chặt chẽ. Trong suốt quá trình xây dựng, Cục ĐTĐL đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cùng các bộ, ngành để hoàn thiện nội dung, giải trình ý kiến đại biểu và chỉnh lý kỹ thuật văn bản. Luật mới đồng thời khắc phục các vướng mắc trong thực thi Luật Điện lực hiện hành, đảm bảo sự thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan.
Trong năm qua, Cục ĐTĐL đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), trong đó có 1 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng và 7 thông tư của Bộ trưởng. Các văn bản này cụ thể hóa các cơ chế quan trọng như điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, khung giá phát điện cho nhà máy năng lượng tái tạo, vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng lớn.
Thực hiện Quyết định số 1544/QĐ-TTg của Thủ tướng về triển khai Luật Điện lực 2024, Cục ĐTĐL đang tập trung xây dựng 21 văn bản QPPL để trình cấp thẩm quyền ban hành. Đến ngày 15/1/2025, Cục đã hoàn thành thẩm định 6/6 dự thảo nghị định và quyết định, cùng 13/15 dự thảo thông tư. Với quyết tâm cao, Cục ĐTĐL cam kết đảm bảo các văn bản QPPL được ban hành đồng bộ cùng thời điểm Luật Điện lực 2024 có hiệu lực, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành điện trong kỷ nguyên mới.
Đối với các nhiệm vụ về điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực Cục ĐTĐL đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Đến hết năm 2024, tổng sản lượng điện quốc gia ước đạt 308,8 tỷ kWh, tăng 9,96% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT và gần đạt mức điều chỉnh theo Quyết định số 924/QĐ-BCT. Mặc dù đối mặt với các thách thức như nhu cầu tiêu thụ tăng cao, thời tiết bất lợi và biến động thủy văn, tình hình cung ứng điện vẫn được duy trì ổn định nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Bộ Công Thương và các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Cục ĐTĐL đã tham mưu Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo bảo đảm cung ứng điện. Đồng thời, các đoàn kiểm tra liên ngành đã được tổ chức để giám sát việc thực hiện các giải pháp cung cấp điện, đặc biệt trong mùa cao điểm. Hoạt động giám sát điều độ hệ thống điện của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cũng được thực hiện thường xuyên, giúp điều chỉnh linh hoạt các phương thức vận hành hàng tuần, hàng tháng.
Trong lĩnh vực thị trường điện, việc xây dựng và vận hành thị trường cạnh tranh đã góp phần minh bạch hóa việc huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh và giảm độc quyền trong ngành điện. Hiện có 112 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất đặt là 32.272,5 MW (chiếm khoảng 38% tổng công suất đặt toàn hệ thống) và 6 đơn vị mua điện trên thị trường giao ngay từ các nhà máy điện, trong đó EVN đóng vai trò mua điện chính trên thị trường và 5 Tổng công ty Điện lực. Để thực hiện tốt công tác điều tiết, Cục ĐTĐL thường xuyên tổ chức giao ban để tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm vận hành hiệu quả theo đúng quy định.
Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu bước tiến quan trọng khi Cục ĐTĐL chủ trì xây dựng Nghị định 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp lớn trực tiếp mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, mở đường cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. DPPA không chỉ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu sử dụng năng lượng xanh mà còn tăng tính minh bạch và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Về giá điện, Cục ĐTĐL đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá điện và chi phí sản xuất kinh doanh. Đoàn kiểm tra chi phí của EVN đã công bố kết quả kiểm tra trên chuyên trang của Bộ, tạo điều kiện để người dân theo dõi và giám sát. Những nỗ lực này khẳng định vai trò của Cục ĐTĐL trong việc bảo đảm cung ứng điện ổn định, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Điều tiết hoạt động điện lực và thị trường điện lực
Trong năm 2024, Cục ĐTĐL đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm điều chỉnh và quản lý giá điện. Đáng chú ý, với giá bán lẻ điện bình quân, Cục ĐTĐL đã soạn thảo, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/9/2024.
Về lộ trình và điều chỉnh giá bán lẻ điện: Cục ĐTĐL đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành báo cáo số 523/BC-BCT ngày 5/7/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2024. Thực hiện quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện. EVN đã ban hành Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tăng 4,8% so với hiện hành).
Cục ĐTĐL cũng đã thẩm định kết quả tính toán do EVN báo cáo và trình Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1670/QĐ-BCT ngày 25/6/2024 về biểu giá chi phí tránh được năm 2024.
Vào tháng 5/2024, Cục ĐTĐL đã thẩm định trình Bộ Công Thương ban hành Quyết định về khung giá phát điện nhà máy nhiệt điện tuabintua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG); Quyết định số 3130/QĐ-BCT ngày 28/11/2024 về khung giá phát điện năm 2024, trong đó quy định khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện.
Trong một năm 2024 với khối lượng công việc cực lớn, Cục ĐTĐL cũng đã tiến hành thẩm định phương án giá truyền tải do EVN trình và có Báo cáo số 363/BC-ĐTĐL ngày 12/12/2024 về việc báo cáo giá truyền tải điện năm 2024. Ngày 20/12/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3420/QĐ-BCT về giá truyền tải điện năm 2024.
Cùng với đó, liên quan đến việc xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần, Cục ĐTĐL đề nghị EVN báo cáo Bộ Công Thương trong tháng 12/2024 việc thực hiện các nội dung thu thập đầy đủ dữ liệu đo đếm về khách hàng sử dụng điện theo các cấp điện áp là các đối tượng dự kiến áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần. Đơn vị cũng phân tách kết quả nghiên cứu phụ tải của các nhóm khách hàng theo các cấp điện áp, làm việc với khách hàng sử dụng điện theo các cấp điện áp dự kiến áp dụng.
Đối với giá điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực 2024, Cục ĐTĐL có công văn đề nghị khẩn trương phối hợp với EVN tính toán và báo cáo Cục ĐTĐL phương án giá điều độ hệ thống điện-điều hành giao dịch thị trường điện lực 2024. Sau khi NSMO phối hợp với EVN và có văn bản báo cáo giá chính thức, Cục sẽ chủ trì thẩm định để báo cáo, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt theo quy định.
Về đàm phán giá điện và huy động của 85 dự án chuyển tiếp: Trên cơ sở quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BCT (có hiệu lực vào ngày 1/6/2024), EVN đang triển khai thỏa thuận, đàm phán giá điện chính thức với 25 dự án/phần dự án chuyển tiếp với các chủ đầu tư. Hiện tại, có 37 dự án với tổng công suất 2.154,55MW đang trong quá trình xây dựng.
Đặc biệt về khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024, Cục ĐTĐL đã báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định ban hành Khung giá nhập khẩu điện từ Lào cho giai đoạn từ ngày 31/12/2025 đến hết ngày 31/12/2030. Với giá bán điện Nhà máy Thủy điện Xekaman 3: Bộ Công Thương đã có văn bản thống nhất việc điều chỉnh giá điện và hợp đồng mua bán điện nhà máy thủy điện Xekaman 3.
Về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện LNG: Cục ĐTĐL đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 31/2022/TT-BCT sửa đổi bổ sung một số điều tại Thông tư số 57/2014/TT-BCT và Thông tư số 57/2020/TT-BCT, trong đó, đã quy định phương pháp xây dựng khung giá nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG. Đối với giá điện cho trạm/trụ sạc điện, Cục ĐTĐL đã tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ ký báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, trong đó có bổ sung giá điện cho mục đích sạc điện.
Về công tác hợp tác quốc tế, quản lý dự án và nghiên cứu khoa học, trong năm 2024, Cục ĐTĐL tiếp tục tham gia các chương trình làm việc, hội thảo trong khuôn khổ các hợp tác quốc tế được Bộ Công Thương giao chủ trì, đầu mối thực về chuyển dịch năng lượng, mạng lưới cơ quan điều tiết. Bên cạnh đó, Cục cũng tích cực tham gia, phối hợp với Cục Điện lực và năng lượng tái tạo trong các hoạt động thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN. Về hỗ trợ kỹ thuật, Cục phối hợp chặt chẽ với đối tác thực hiện các dự án HTKT như Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (DEPP3) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.
Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (VLEEP II) do USAID tài trợ và Dự án Thúc đẩy quá trình chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam (TEV) do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức GIZ.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, Cục ĐTĐL đã triển khai thực hiện 2 đề tài được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung nhiệm vụ KHCN cấp Bộ năm 2023 (thời gian thực hiện sang 2024), trong đó hoàn thành bảo vệ nghiệm thu cấp Bộ đối với 1 đề tài và 1 đề tài còn lại đã được Bộ Công Thương ban hành Quyết định gia hạn thời gian thực hiện sang năm 2025. Các công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực; quản lý nội bộ; hợp tác quốc tế.
Về thẩm định, cấp, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền được phân cấp, trong năm 2024, Cục ĐTĐL đã tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp 206 giấy phép hoạt động điện lực trong các lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ cấp 3 giấy phép hoạt động điện lực đối với hoạt động phát điện nhà máy thủy điện Trị An, thủy điện Ialy, thủy điện Tuyên Quang. Trong tổng số giấy phép hoạt động điện lực đã cấp, có 27 giấy phép cấp sửa đổi bổ sung và 179 giấy phép cấp mới.