Dấu ấn Phật giáo trong thơ Việt đương đại
Ra mắt đúng dịp đại lễ Phật Đản 2025, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, chào đón nhân loại bước sang Phật lịch 2569, tuyển tập 'Dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam' với độ dày 704 trang in, cuốn sách là sự nỗ lực kì công của PGS. TS Hoàng Kim Ngọc.
Ra mắt đúng dịp đại lễ Phật Đản 2025, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, chào đón nhân loại bước sang Phật lịch 2569, tuyển tập "Dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam" với độ dày 704 trang in, cuốn sách là sự nỗ lực kì công của PGS. TS Hoàng Kim Ngọc (giảng viên Trường Đại học Thăng Long) sưu tầm và tuyển chọn gồm 108 tác giả với hơn 400 tác phẩm mang tinh thần Phật giáo được sáng tác từ năm Đổi mới (1986) cho đến gần đây; sách do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn ấn hành như một việc làm mang ý nghĩa chào mừng Đại lễ Phật Đản.
Đây không đơn thuần chỉ là tuyển tập thơ đương đại với một khối lượng tác giả và tác phẩm lớn mà là một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng do nhà lý luận phê bình Hoàng Kim Ngọc tổ chức thực hiện. Qua đó, bạn đọc có thể biết được thi ca đã góp phần hoằng pháp, xiển dương Phật giáo ra sao trong 40 năm qua.

PGS.TS Hoàng Kim Ngọc
Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS Hoàng Kim Ngọc.
- Thưa chị, vạn sự khởi đều do duyên? Tìm Phật, thấy Phật ở trong thơ hẳn chị phải có cơ duyên với Phật?
+ Vâng, đúng là vạn sự do duyên bạn ạ. Từ năm 1997, tôi đã có phóng sự liên quan đến Phật giáo: "Tản mạn quanh chiếc áo cà sa" đăng trên Báo Tiền phong. Từ năm 2009, tôi đã có nhân duyên giảng dạy cho 5 lớp tăng ni hệ đại học và 2 lớp hệ cao đẳng ở Học viện Phật giáo Hà Nội, sau đó gần đây lại có cơ duyên được dạy cho lớp giảng sư cao cấp khóa 2 ở Hà Nội và nói chuyện chuyên đề cho lớp giảng sư cao cấp ở thành phố Hồ Chí Minh (tất nhiên liên quan đến chuyên môn của tôi thôi). Điều lạ là khi đọc các tác phẩm văn học đương đại liên quan đến Phật giáo thì lập tức tôi bị cuốn hút, say mê.
Cuối năm nay, tôi sẽ cho ra mắt cuốn tiểu luận phê bình (được nhà nước đặt hàng) có nhan đề: "Duyên khởi đến cõi văn". Sở dĩ có tên sách như thế là vì khi nhìn lại tập hợp các bài viết trong đó, tôi không khỏi ngạc nhiên nhận ra mình luôn được "khởi duyên" với những tác phẩm văn học đương đại có liên quan đến tinh thần Phật giáo và tất cả những tác giả, tác phẩm có trong cuốn sách ấy đều liên quan đến chữ "duyên": hữu duyên, nhân duyên, thiện duyên và duyên khởi…
Một nhân duyên nữa là tôi được bầu làm Ủy viên thường trực Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam. Từ cơ duyên này mà tôi khởi tâm làm ngay cuốn "Dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam" (tuyển tập thơ của 108 tác giả). Tôi tạm coi đó là cuốn tập 1 về thơ. Nếu có nhân duyên, tôi còn muốn làm tiếp tập 2 (sẽ là các tác giả mới hoặc có thể vẫn là tác giả ở tập 1 nhưng chọn tác phẩm mới của họ và có thay đổi một vài tác giả); ngoài ra, tôi còn muốn biên soạn các cuốn khác như: "Dấu ấn Phật giáo trong truyện ngắn đương đại Việt Nam" và "Từ điển văn học Phật giáo Việt Nam hiện đại"… Nhưng làm được điều đó thì rất cần có sự hỗ trợ từ Giáo hội Phật giáo hoặc người phát tâm công đức chứ một mình tôi thì e rằng "lực bất tòng tâm".
- Cuốn sách khổ lớn dày 704 trang "Dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam" không chỉ là cuốn sách có số lượng tác giả, tác phẩm lớn, mà là một công trình nghiên cứu về thơ đương đại Việt Nam và dấu ấn Phật giáo trong thơ. Mở đầu cuốn sách có phần tiểu luận nghiên cứu công phu và dày dặn của chị để giúp bạn đọc hình dung khái quát được tác phẩm qua những phân tích và dẫn chứng các tác phẩm tiêu biểu mang biểu tượng, tinh thần Phật giáo. Chị mất bao lâu để làm xong được công trình này? Và có khó khăn gì khi làm tuyển tập?
+ Tôi mất khoảng một năm rưỡi để hoàn thành sách này. Tôi thường ngồi ở Thư viện Quốc gia để đọc nhiều chồng Báo Văn nghệ, nhiều số Tạp chí Văn nghệ quân đội… và hàng ngàn tập thơ dày mỏng khác nhau. Nhưng nhiều cuốn tôi cần thì lại không có mặt ở thư viện vì các tác giả thường tự bỏ tiền in thơ nên vẫn còn những nhà xuất bản đôi khi… quên nộp lưu chiểu, đó cũng là một khó khăn cho công việc sưu tầm, tuyển chọn. Cái khó nữa là do sách dày nên việc soát bông cũng rất công phu, tôi đã trực tiếp soát bông không dưới 5 lần.
- Chị có thể chia sẻ tại sao chị lại lựa chọn 108 tác giả? Tiêu chí để chị lựa chọn có trên cơ sở gì không, hay hoàn toàn là những cảm nhận của riêng chị?
+ Tất nhiên tôi phải có tiêu chí để chọn lựa chứ. Tôi chọn số 108 vì đó là con số có ý nghĩa Phật giáo. Những tác giả đưa vào sách phải có thơ hợp với chủ đề và tôi rất vui khi nhiều tên tuổi nổi tiếng đã hiện diện ở đây. Còn khái niệm "đương đại" là mốc sáng tác từ 1986 đến nay; khi đất nước bước vào thời kì đổi mới và cũng là giai đoạn đạo Phật được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển nên hầu hết các nhà thơ đương đại đều hiểu biết ít nhiều về triết lí đạo Phật.
Tác phẩm tuyển chọn dựa theo tiêu chí sau: có các biểu tượng của Phật giáo như chùa chiền, xứ Phật, nhà sư, kinh kệ, hoa sen…; có các chủ đề liên quan đến tinh thần Phật giáo như vô thường, giác ngộ, tái sinh, luân hồi, tu thiền, hoặc tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn với tinh thần "hiện pháp lạc trú" hoặc thể hiện lòng từ bi, coi cái chết nhẹ nhàng như một sự chuyển kiếp, hay tâm thế của con người trước cõi vô cùng…

Tác phẩm mới ra mắt của PGS.TS Hoàng Kim Ngọc.
- Điều thú vị là có mặt trong sách này lại là tác phẩm của các nhà thơ không xuất gia ở mọi vùng miền với các phong cách sáng tác khác nhau. Tại sao chị không chọn thơ của các thiền sư, hoặc người đã xuất gia. Chị có thể chia sẻ một chút về điều này?
+ Thơ của các thiền sư, những người đã xuất gia, thơ văn Lý - Trần được các học giả nghiên cứu nhiều rồi. Nhưng thơ có dấu ấn Phật giáo của các nhà thơ đương đại, không xuất gia thì còn rất ít người quan tâm. Tôi tuyển chọn tác phẩm của các nhà thơ không xuất gia ở mọi vùng miền với các phong cách sáng tác khác nhau để thấy sự phong phú, đa dạng trong cách hiểu, cách ứng dụng giáo lý nhà Phật của những người tại thế có cuộc sống đời thường.
- Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã cảm nhận về công trình của chị: "Tuyển tập này không chỉ đơn thuần là tập hợp hơn 400 bài thơ gồm nhiều thể tài, mà còn mở ra các hướng tiếp cận mới mẻ về văn học Phật giáo Việt Nam. Dưới góc độ Phật học, tuyển tập cho thấy sự hiện diện của các tư tưởng, triết lí, hình tượng, điển tích Phật giáo trong thơ ca Việt Nam đương đại, góp phần làm phong phú đời sống tâm linh của dân tộc". Chị nghĩ sao về nhận định này?
+ Thượng tọa, TS Thích Hạnh Tuệ là người gợi ý, đồng hành với chúng tôi từ khi bắt đầu thực hiện tập sách này. Thượng tọa có nhiều năm nghiên cứu giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh về văn hóa, văn học, tư tưởng Phật giáo cả trong Học viện PGVN và các trường đại học ngoài Phật giáo. Thượng tọa đã xuất bản nhiều công trình về lĩnh vực này, nên chúng tôi rất tâm đắc với những nhận xét ngắn gọn và sâu sắc của Thượng tọa, TS Thích Hạnh Tuệ.
- Hòa thượng Thích Giác Toàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam lại có nhận định: "Tác phẩm này góp phần gợi mở xu hướng mới trong thơ ca Việt Nam, đó là sự đan quyện giữa nghệ thuật thơ ca và triết lý Phật giáo đã mang dấu ấn sâu sắc của người sưu tầm, biên soạn dày công tuyển chọn, kéo tư tưởng Phật giáo từ uyên áo cao xa trở nên gần gũi, sâu sắc trong đời thường, mở ra những hướng đi mới cho giới sáng tác và nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học Phật giáo nói riêng". Chị có thể chia sẻ thêm ý kiến về điều này?
+ Hòa thượng Thích Giác Toàn, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội PGVN, đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Hòa thượng cũng đã xuất bản nhiều tác phẩm về văn học Phật giáo. Những nhận xét của Hòa thượng rất xác đáng và gợi mở cho chúng tôi tiếp tục sưu tập nghiên cứu về văn học Phật giáo Việt Nam đương đại.
Ngoài ra, tôi còn được nhiều nhà thơ động viên khích lệ khi làm tuyển tập này, đặc biệt là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi rất vui khi nhiều sinh viên gọi điện quan tâm đến sách và bày tỏ mong muốn làm đề tài nghiên cứu về văn học Phật giáo đương đại.
- Trân trọng cảm ơn PGS-TS Hoàng Kim Ngọc về buổi trò chuyện này.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/dau-an-phat-giao-trong-tho-viet-duong-dai-i769155/