Dấu ấn tăng trưởng nông nghiệp Vị Xuyên

Xuân 2020 - Năm 2019, sản xuất nông nghiệp tại huyện Vị Xuyên đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch, đánh dấu một năm cho mùa màng bội thu.

Cam Sành Vị Xuyên vào vụ mới.

Cam Sành Vị Xuyên vào vụ mới.

Sau gần 4 năm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 – 2020, với “2 nội dung đột phá và 3 chương trình trọng tâm” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX đề ra, UBND huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất, hướng dẫn nông dân đưa những giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế.

Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp của huyện đạt và vượt kế hoạch, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích cây trồng, năm 2019 ước đạt 62,93 triệu đồng/ha, đạt 100% kế hoạch. Qua đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 56.276,3 tấn, đạt 100,4% kế hoạch. Trong chăn nuôi, sản lượng thịt thương phẩm như: trâu, bò, lợn… cung ứng ra thị trường 8.365,92 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Công tác phòng, chống đói, rét gia súc được triển khai nghiêm túc từ đầu năm. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 63 cánh đồng mẫu “5 cùng” với tổng diện tích 463,2 ha; 6.000 m2 nhà lưới trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu đạt 150 triệu đồng/1.000 m2/năm; 3 chợ buôn bán đại gia súc; 78 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô từ 20 con đại gia súc và từ 1.500 con gia cầm trở lên.

Đối với cây dược liệu, huyện Vị Xuyên mặc dù không được quy hoạch trong vùng phát triển dược liệu của tỉnh, nhưng với lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các cấp, các ngành thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các HTX và nhân dân triển khai trồng dặm và duy trì các loại cây dược liệu bản địa. Hiện nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn có 2.700 ha Thảo quả, 50 ha các loại cây khác như: Nghệ, gừng, hòe, Đinh lăng, Lan kim tuyến, Ba kích tím, Hà thủ ô đỏ, Đương quy, Thất diệp nhất chi mai...

Song song với đó, việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và các nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được chú trọng. Huyện Vị Xuyên đã xây dựng kế hoạch triển khai tới các xã, thị trấn trên địa bàn; khuyến khích người dân ứng dụng KHKT, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, đã có những chuyển biến cơ bản, các sản phẩm chủ lực, thế mạnh được lựa chọn để tập trung phát triển. Khoa học công nghệ được đẩy mạnh áp dụng vào sản xuất để phát triển năng suất cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng, các chương trình, đề án sản xuất hàng hóa được triển khai hiệu quả và từng bước hình thành vùng hàng hóa tập trung như: Cam, chè, trâu, bò, ong...

Những kết quả phát triển bền vững trên lĩnh vực nông nghiệp năm 2019 đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây, đời sống của nhân dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Qua việc nhìn nhận rõ lợi thế, khắc phục những hạn chế và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được đã làm nền tảng quan trọng để phát triển nông nghiệp, tiếp tục giành thắng lợi trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Nguyễn Ngân

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202001/dau-an-tang-truong-nong-nghiep-vi-xuyen-755048/