Dấu ấn thời khai khẩn qua tục thờ Sơn Quân
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện việc lập phủ Gia Định gồm 2 huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, H.Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn trở thành mốc lịch sử quan trọng đối với vùng đất Nam bộ dưới sự quản lý của chúa Nguyễn.
Thực tế, để có cơ sở nền cho việc thành lập cơ sở hành chính này là những lưu dân Việt, Hoa trước đó đã đến đây khai khẩn và có cuộc sống khá ổn định, hình thành cơ sở để chúa Nguyễn “đặt đồn thu thuế” trước đó. Vùng đất rộng người thưa này trở thành điểm đến lý tưởng cho những nhóm di dân chọn để khai khẩn, mưu sinh. Thế nhưng, cuộc mưu sinh trên vùng đất Trấn Biên xưa, bao trùm cả Đồng Nai và các vùng phụ cận không hề đơn giản bởi “xứ sở lạ lùng” buổi ban đầu xa lạ, rừng thiêng nước độc, trên rừng muôn vàn thú dữ mà đặc biệt là loài cọp dữ.
Vùng Đồng Nai từ phía các cửa sông lên thượng nguồn xưa có những vùng đất nhiều bụi rậm của rừng thấp, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ, cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê, khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu hay toàn rừng rậm hàng ngàn dặm, thú tập hợp thành đàn… Những lớp di dân bằng đường thủy muốn lập làng, tìm đất canh tác thì phải lên bờ, lựa chọn vùng đất phù hợp, đảm bảo an toàn cho chỗ tụ cư và thuận lợi sinh kế ban đầu. Trong muông thú của xứ sở hoang vu này có nhiều cọp dữ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Những người dân thời khai khẩn đối diện với loài cọp được mệnh danh “chúa sơn lâm” khi săn bắt, canh tác.
* Tín ngưỡng thờ Sơn Quân
Với tín niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, những cư dân đến khai khẩn vùng đất Đồng Nai luôn tôn trọng những thần linh bảo hộ cho cuộc sống của mình. Người dân lập làng, dựng miếu thờ thần làm chủ cuộc đất ở miếu, đình của làng xã cùng với tâm thức về tổ tiên quê gốc và với những thế lực có sức mạnh có thể tác động đến cuộc sống của cộng đồng. Vì vậy, đối với loài thú dữ mà cọp được mệnh danh là chúa tể của rừng núi được tôn thờ như một vị thần linh ở thiết chế tín ngưỡng cộng đồng với các mỹ danh Sơn Quân (chi thần, đại tướng quân, mãnh hổ…). Người dân tôn kính gọi là ngài, ông, chúa, thần… và kiêng việc gọi tên trực tiếp.
Tại các miễu, đình của làng thờ thần Thành hoàng, nơi thờ Sơn Quân được bố trí bằng một bàn thờ, miếu nhỏ độc lập. Bàn thờ được định vị với tôn danh thường dùng chữ Hán: Sơn Quân có thêm hình ảnh hay bài vị của một vị chủ tể núi rừng với tư thế dũng mãnh. Một số miếu, đình được chạm nổi hay có tượng của Sơn Quân ở bệ thờ.
Nhiều truyện kể dân gian ở Đồng Nai phản ánh một thời mưu sinh đầy gian nguy của những thế hệ đi trước khi lập làng, khai phá vùng rừng núi.
Ở một số nơi, người dân tôn cọp làm Hương Cả - chức vị đứng đầu trong hương chức của làng. Miếu thờ Sơn Quân trước đình Hòa Quới (cù lao Phố, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) có 2 câu đối ca ngợi sức mạnh của Sơn Quân: Hùng hào tuấn kiệt nhứt mãnh hổ. Anh dũng oai linh thị sơn lâm.
Liên quan tín niệm này, một số câu chuyện dân gian cho rằng: ở một số làng, các vị Hương Cả hay gia đình của họ thường bị tai họa hoặc trong làng xảy ra những việc lộn xộn. Vì vậy, khi làng cử cọp làm Hương Cả, thì làng bình yên, mùa màng tươi tốt, không bị xáo trộn, dịch bệnh. Mỗi năm, khi cúng miễu, đình, dân làng có bài sớ/tờ cử với nội dung biết ơn Sơn Quân và suy cử làm Hương Cả. Đồ cúng gồm đầu heo để trên bàn thờ. Trong đêm hoặc lúc không ai ngờ, thần Sơn Quân nhận tờ suy cử mới cùng đầu heo và để lại tờ cử năm trước.
Lễ cúng tại miễu thờ Sơn Quân ở các nơi khác nhau. Những miễu thờ độc lập lễ cúng được chọn vào một ngày cụ thể, theo lệ xưa truyền giữ. Các miễu trong phạm vi đình làng tổ chức trong dịp lễ Kỳ yên. Các nghi thức được tổ chức nghiêm cẩn nhưng quy mô không lớn thức cúng thần, có hương lễ, hương chức, học trò lễ, ông từ tham gia tuần tự xướng nghi, dâng lễ, đọc và hóa văn tế… Lễ vật là heo, xôi, bánh và các phẩm vật (nhang, đèn, rượu).
* Diệt cọp trừ họa cho dân
Trong hành trình mở đất, khai khẩn, lập làng, người dân vừa tín niệm thờ Sơn Quân thể hiện sự tôn trọng đối với “chúa tể sơn lâm” nhưng cũng đồng thời bằng sức mạnh, mưu trí bảo đảm cho sự an toàn cho cộng đồng khi cọp dữ phá hoại. Rừng bạt ngàn và cọp thì nhiều nên trước mối hiểm nguy phải đối diện, xuất hiện những con người mưu trí, gan dạ đánh nhau với loài cọp dữ bảo vệ cộng đồng. Kho tàng truyện kể dân gian Nam bộ, chuyện về loài cọp chiếm số lượng lớn.
Đất Đồng Nai lưu truyền về những người dân bằng mưu trí của mình đánh nhau với cọp. Dòng họ Nguyễn ở làng Phú Mỹ (xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) có công lớn trong khai khẩn, lập đình còn lưu truyền về ông Nguyễn Văn Sắc đánh nhau với cọp. Đình làng được dựng lên giữa rừng và cọp hay đến quấy phá, rình chụp vật nuôi của người dân. Nhằm trừ mối nguy cho dân làng, ông Sắc mai phục, đánh nhau với cọp. Trong một trận đánh với cọp, ông Sắc đã quần thảo với loài thú dữ và bị móng vuốt cọp vồ làm mất máu nhiều. Dân làng đến cứu nhưng ông không qua khỏi. Cọp bị thế võ của ông đánh rút vào rừng và không còn đến quấy phá dân làng.
Cánh đồng Tân Cang (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) giữa các khu rừng đồi được người dân đến canh tác. Cọp dữ trong rừng cứ đợi đêm xuống ra phá nát vườn cây, mùa màng. Để giúp cha bảo vệ mùa màng, người con gái tìm thầy học những thế võ điêu luyện, nấp mình sau tảng đá chờ cọp xuất hiện. Trận đánh giữa cọp và người con gái diễn ra ác liệt nhưng bằng thế võ hiểm, cô gái đã chiến thắng. Thấy cọp đầu đàn bị giết, những con cọp còn lại tìm đến nơi khác sống.
Vùng Hóa An (TP.Biên Hòa) trước đây là dãy rừng nối dài, cọp nhiều vô kể. Nhiều người dân vào rừng bị cọp vồ mất xác. Cọp ở đây ăn thịt nhiều người trở thành tinh và luôn biết né tránh những cái bẫy cài sẵn của con người. Trừ họa cho dân, 2 thầy võ từ vùng Tân Khánh (xưa thuộc Biên Hòa, nay thuộc Tân Uyên, Bình Dương), Dĩ An (Bình Dương) với tài nghệ côn quyền, kiếm thuật dẫn môn sinh vào rừng trực tiếp đánh cọp. Trận chiến giữa cọp và người diễn ra căng thẳng kéo dài một ngày đêm. Những con cọp hung hăng, nhe nanh vuốt, nhảy vồ. Thầy võ và môn sinh vừa hiệp sức đánh và tung lưới vây. Cọp chết, người chết khiến nhiều người hoảng sợ bỏ chạy. 2 thầy võ quyết tâm hiệp lực tạo thế dồn cọp đầu đàn vào thế hiểm, gồng sức siết cổ cho đến chết. Cọp dữ chết nhưng 2 thầy cũng kiệt sức vì bị thương, qua đời để lại niềm thương tiếc, cảm phục cho dân làng. Để trả thù cho thầy, các môn sinh tiếp tục vào rừng tìm đánh các bầy cọp còn lại khiến chúng bỏ đi nơi khác.
Những câu chuyện dân gian cho thấy một thời đầy khó khăn, gian khổ khi những thế hệ người dân buổi đầu khai khẩn trên vùng đất Đồng Nai. Đối diện với mối nguy từ thú dữ, họ đương đầu và chịu những tổn thất về tính mạng để bảo vệ cho làng thôn, xóm ấp yên lành. Sự gan dạ của những người đánh cọp đã góp phần cho những nhóm cộng đồng an cư, tiếp tục khai thác những vùng đất rừng hoang vu, biến đổi thành làng mạc, mở rộng các cánh đồng canh tác.
Bên cạnh những câu chuyện về đánh nhau với cọp dữ, ở Đồng Nai còn lưu truyền việc những con cọp hiền lành, biết trả ơn con người. Vùng núi Bửu Long xưa (Biên Hòa), Đá chồng Định Quán có truyện tích liên quan những con cọp trong rừng tìm đến đền chùa nằm yên khi nhà sư gõ mõ tụng kinh. Làng Bến Gỗ (P.An Hòa, TP.Biên Hòa) có miếu Bà Mụ nhắc về chuyện cọp trả ơn sau khi người phụ nữ giúp cọp sinh con. Tên tuổi và mộ của bà mụ cách đây gần 2 thế kỷ vẫn còn di tích trong miếu thờ tại địa phương. Mặc dù có những tình tiết huyễn hoặc nhưng cho thấy ẩn ý sâu xa trong các truyện tích về sự hướng thiện trong cộng đồng...
Đồng Nai xưa với rừng núi bạt ngàn, kéo dài dọc sông, cọp dữ hoành hành ngay bên những làng mới lập. Môi trường tự nhiên của Đồng Nai giờ khác xưa với sự phát triển của cư dân và đô thị hóa. Thế nhưng, nhiều nơi vẫn còn những tên gọi về địa danh, thiết chế đình, miếu nhắc nhớ về một thời khai khẩn với nhiều khó khăn, gian khổ mà cư dân thời khai khẩn đối diện.