Dấu ấn trong công tác chuyển đổi số của ngành Tư pháp Thanh Hóa

Sở Tư pháp Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chuyển đổi số (CĐS) theo các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh và của ngành Tư pháp. Qua đó, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao và đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Sở Tư pháp

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số tại Sở Tư pháp

Theo đó, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả các phần mềm, ứng dụng số trong quản lý hoạt động chuyên môn như: cơ sở dữ liệu về hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, phần mềm đấu giá trực tuyến, phần mềm kế toán, báo cáo thống kê, hệ thống văn bản điều hành, phần mềm dịch vụ công, phần mềm theo dõi nhiệm vụ UBND tỉnh giao.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC), ngành Tư pháp Thanh Hóa đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), trong đó gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết THHC với quá trình thực thi nhiệm vụ, trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới phương thức phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Hiện nay, toàn bộ các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở. Đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và trực tuyến toàn trình, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi.

Hiện nay, toàn bộ các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh

Hiện nay, toàn bộ các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh

Trong thời gian qua, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Trang thông tin điện tử về PBGDPL (https://pbgdpl.thanhhoa.gov.vn) với nhiều nội dung phong phú như: Văn bản, chính sách pháp luật mới; Tài liệu PBGDPL; Hoạt động PBGDPL ở cơ sở… Các chuyên mục này được cập nhật hàng ngày, đảm bảo tính thời sự, đồng thời bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của Nhân dân.

Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực công chứng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả ấn tượng như: tiến hành cài đặt phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng tại Sở Tư pháp và 54 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh; qua đó, xây dựng khối cơ sở dữ liệu về thông tin ngăn chặn, hợp đồng giao dịch công chứng trên địa bàn tỉnh và được quản lý tập trung tại Sở.

Theo thống kê, tổng số giao dịch công chứng đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu công chứng là 711.033 dữ liệu; tổng số thông tin tài sản đã và đang được ngăn chặn trên cơ sở dữ liệu công chứng là 2.040 dữ liệu; cung cấp kịp thời cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh về tình trạng, hiện trạng bất động sản bị ngăn chặn, phong tỏa, tranh chấp hoặc hợp đồng, giao dịch đã thực hiện xong nhưng chưa đăng ký quyền sở hữu, hạn chế thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tiếp tục thực hiệu có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đối với các nhiệm vụ như: đổi mới cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp trên cổng dịch vụ công quốc gia; số hóa dữ liệu hộ tịch; đơn giản hóa hồ sơ, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính đối với dịch vụ công thiết yếu như: lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hộ tịch, lý lịch tư pháp…) với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan gắn với công tác cải cách hành chính; tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ xây dưng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Tư pháp; đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng chuyên ngành nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, điều hành để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Phạm Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dau-an-trong-cong-tac-chuyen-doi-so-cua-nganh-tu-phap-thanh-hoa-post529726.html