Dấu ấn văn hóa Việt Nam năm 2020: Điện ảnh vượt khó và sức mạnh của nghệ thuật cổ động

Năm 2020 là quãng thời gian đặc biệt khó khăn đối với ngành văn hóa, nhưng lại tạo nên những dấu ấn làm tiền đề cho những sáng tạo văn hóa nghệ thuật trong tương lai.

Về những dấu ấn của văn hóa Việt Nam trong năm Covid-19, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đó là sự quay trở lại mạnh mẽ của những giá trị dân tộc như đoàn kết cộng đồng, chia sẻ yêu thương và đặc biệt là tinh thần kiên cường của nghệ sĩ.

Thật vậy, năm qua, các tổ chức văn hóa - nghệ thuật, các văn nghệ sĩ là những người gặp rất nhiều khó khăn trong công việc cũng như duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, họ không những không chùn bước mà còn tiên phong tạo ra những tác phẩm đầy ý nghĩa để động viên mọi người vượt qua thử thách....

Ca khúc Ghen Cô Vy của Việt Nam trên truyền thông quốc tế.

Ca khúc Ghen Cô Vy của Việt Nam trên truyền thông quốc tế.

Sức mạnh của nghệ thuật cổ động

Năm qua, loạt ca khúc tuyên truyền về phòng chống Covid-19 ra đời thu hút sự chú ý của người nghe, xem tại Việt Nam và thế giới. Trong số đó có thể kể đến các ca khúc nổi bật như Ông bà anh thời Covid-19, Đôi mắt nCoV, Đại dịch Corona, Việt Nam ơi! Đánh bay Covid, Tiêu diệt corona, Cùng bé đánh giặc Corona…

Đáng chú ý, ca khúc Ghen Cô Vy do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế hợp tác với nhạc sĩ Khắc Hưng, hai ca sĩ Min, Erik và vũ công Quang Đăng thực hiện trong một dự án truyền thông nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa nghệ thuật tham gia tích cực vào cuộc phòng chống dịch Covid-19. Trong số này, phải kể tới chiến dịch ResiliArt (Nghệ thuật kiên cường) do UNESCO khởi động nhằm kêu gọi nghệ sĩ tham gia chia sẻ với công chúng về sáng tác mới của mình, những hoạt động nghệ thuật trong thời gian dịch bệnh và hỗ trợ các nghệ sĩ tìm kiếm giải pháp trong và sau khủng hoảng.

Di sản “không ngủ yên”

Giữa khó khăn dịch bệnh, Việt Nam cũng đón tin vui khi Công viên địa chất Đắk Nông gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 mét, các miệng núi lửa, thác nước…, Công viên địa chất Đắk Nông là nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, cùng với nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Năm 2020 có thể coi là một năm đặc biệt đáng nhớ của tà áo dài truyền thống – khi ý tưởng xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh áo dài Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ nhiều chuyên gia, tổ chức xã hội cũng như cơ quan quản lý. Các hoạt động này bao gồm một loạt các hội thảo quốc gia, trình diễn áo dài, hay vận động cộng đồng mặc trang phục này.

Rap Việt bùng nổ

Năm Covid-19 cũng là năm Rap Việt đánh dấu một chặng đường phát triển mạnh mẽ, từ kỹ thuật đọc rap, kỹ thuật gieo vần đôi, vần ba khi viết lời cho đến việc làm nhạc beat, phong cách trình diễn của rapper. Đề tài cũng rất phong phú và được lấy cảm hứng từ tình yêu, xã hội đến âm nhạc truyền thống.

Rap Việt được xem là đã đưa nhạc rap Việt Nam từ underground đến với đông đảo công chúng và đã giới thiệu một thế hệ rapper mới đầy tiềm năng.

Phong trào từ thiện

Các nghệ sĩ, người nổi tiếng đã rất tích cực, đi đầu trong việc quyên góp và vận động quyên góp, nhằm cứu trợ, giúp đỡ những người dân gặp khó khăn; ủng hộ, khích lệ những người trên tuyến đầu phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Không chỉ giúp đỡ bằng vật chất, sự quan tâm giúp đỡ của các nghệ sĩ với những hình thức đa dạng, phong phú, đã có sức lan tỏa rất lớn trong xã hội, cổ vũ tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách.

Điện ảnh vượt khó

Việt Nam có những bộ phim nổi bật về doanh thu, tính giải trí và nghệ thuật như Gái già lắm chiêu 3, Tiệc trăng máu, Ròm, Màu cỏ úa... Các nhà làm phim và các nghệ sĩ xứng đáng nhận một tràng pháo tay cổ vũ từ khán giả, trong bối cảnh dịch bệnh và số phận hẩm hiu của các rạp chiếu phim trên khắp thế giới.

Mặc dù đang trong giai đoạn doanh thu sụt giảm nghiêm trọng do tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng theo các chuyên gia, thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển khi nhiều bộ phim mới, đặc biệt phim Việt Nam được phát hành đã thu hút khán giả quay trở lại với niềm yêu thích của mình.

Xu hướng trực tuyến

Khi sân khấu đóng băng, các nghệ sĩ, tổ chức nghệ thuật, nhà hát Việt Nam đã duy trì hoạt động nghệ thuật thông qua kênh YouTube, fanpage, các hình thức sân khấu, nhà hát trên mạng. Thích ứng với hoàn cảnh và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện thí điểm phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan, các chương trình nghệ thuật... thu hút đông đảo nghệ sĩ tham gia và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ khán giả.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-an-van-hoa-viet-nam-nam-2020-dien-anh-vuot-kho-va-suc-manh-cua-nghe-thuat-co-dong-134916.html