Đầu bếp Nhi Nguyễn: 20 tuổi đã bắt đầu chinh phục nghề bếp
Chị Nguyễn Trần Yến Nhi, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên tại TPHCM, bén duyên và gắn bó với nghề bếp được 8 năm. Hiện chị đang là đầu bếp tự do chuyên về các món Âu.
<span data-mce-type="bookmark" style="display: inline-block; width: 0px; overflow: hidden; line-height: 0;"></span><span data-mce-type="bookmark" style="display: inline-block; width: 0px; overflow: hidden; line-height: 0;"></span><span data-mce-type="bookmark" style="display: inline-block; width: 0px; overflow: hidden; line-height: 0;"></span>
Trở thành điểm tựa của cả nhà từ năm 20 tuổi
“Trước đây, gia đình tôi mở một căn tin nhỏ, ba tôi là thợ nấu ăn rất ngon, cũng vì vậy mà ngay từ bé tôi được quan sát và biết nấu ăn để phụ giúp gia đình”, chị chia sẻ. Đến năm 18 tuổi, chị gần như hoàn thành xong khóa học trung cấp nghề với chuyên ngành Tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi gần tốt nghiệp, chị lại không tìm thấy niềm vui trong ngành học này. Lúc đó chị quyết tâm chuyển sang học làm bếp tại trường MINT International Culinary school, TPHCM.
Những ngày đầu chập chững bước vào nghề bếp, chị cho biết mình dường như không thể thích nghi được với môi trường làm việc. “Lúc đi học tôi chủ yếu tìm tòi về các món Việt, nhưng khi xin vào thực tập tôi lại chọn nhà hàng chuyên về các món Âu ở quận 1”, chị kể.
Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và sử dụng hoàn toàn tiếng Anh khiến chị lúng túng vì không thể hòa nhập cùng mọi người. Công việc còn quá mới lạ, cùng với cường độ làm việc áp lực nhưng chị vẫn không thôi ý định chinh phục con đường làm bếp chuyên nghiệp.
“Lúc đó tôi rất tự ti về bản thân, nhưng lại tự nhủ phải hoàn thành xong kỳ thực tập này. Thế là tôi cố gắng quan sát và học hỏi dần dần mỗi ngày và thật may mắn khi có anh, chị đi trước tận tình giúp đỡ”, chị bồi hồi.
Tuy nhiên, chưa được bao lâu, chị và gia đình mất điểm tựa khi phát hiện ba mình bị ung thư và qua đời sau đó 3 tháng. Chị tâm sự: “Giai đoạn đó, gia đình tôi rất chật vật về kinh tế, thành ra tôi phải đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình và lo cho em gái đi học”.
Chị bộc bạch thêm, cũng chính thời điểm đó, niềm đam mê với nghề bếp trong chị lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kể từ khi ba mất, chị lại càng quyết tâm duy trì công việc từ trước đến giờ của gia đình và thay ba chăm sóc gia đình cũng như lo cho em gái tiếp tục đến trường.
“Tôi nhớ tháng lương đầu tiên nhận được là 3,5 triệu đồng. Lúc đó mừng lắm, nhưng số tiền vẫn không đủ tiền học phí cho người em. Vì vậy, tôi tìm thêm một số công việc ngoài giờ để vừa học, vừa làm và trang trải cho gia đình lúc đó”, chị kể.
Giấc mơ đi nước ngoài và danh hiệu tại Top Chef Vietnam
“8 năm gắn bó với nghề bếp đã giúp tôi nuôi sống được bản thân và gia đình. Lúc đó tôi muốn được đi nước ngoài làm bếp, để học hỏi nhiều điều mới lạ và tăng thêm thu nhập trang trải cho gia đình. Nhưng điều kiện không cho phép, tôi vẫn thấy may mắn và có được niềm vui khi làm việc ở nhiều vị trí và nhà hàng tại TPHCM”, chị bày tỏ.
Làm nghề bếp vốn nhiều vất vả, như sức nóng trong bếp và cường độ làm việc liên tục khiến người thợ dễ kiệt sức. Nam đầu bếp đòi hỏi sức khỏe tốt, vậy nên phụ nữ muốn trở thành đầu bếp thì cần trau dồi sức khỏe nhiều hơn nữa để đảm nhận công việc này.
“Phụ nữ rất dễ bị tác động tâm lý, đôi khi rất mệt, hay những sự va chạm trong công việc cũng khiến tôi áp lực hơn bao giờ hết. Có những khi sức khỏe không được tốt, nhưng tôi vẫn phải tự nhủ bản thân luôn cố gắng để duy trì công việc”, chị kể.
Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng và kéo dài, chị quyết định chuyển sang công việc bếp tự do để linh hoạt trong thời gian, chăm sóc sức khỏe cũng như ấp ủ những dự án công việc mới. Chia sẻ về hành trình chinh phục con đường làm bếp chuyên nghiệp, chị kể về niềm vui khi mình may mắn đứng top 7 tại cuộc thi Đầu bếp thượng đỉnh (Top Chef Vietnam) năm 2019.
Chị cho biết: “Lúc đầu tôi không tự tin tham gia, nhưng được một người anh đồng nghiệp động viên, nên đăng ký để có cơ hội học hỏi nhiều hơn. Sau hành trình nỗ lực, tôi lọt vào top 7 cuộc thi như một cột mốc chứng minh năng lực của mình”.
Món ăn ghi lại dấu ấn của chị trong chương trình là chả đùm, món ăn dân dã của Việt Nam. Bằng cách biến tấu và sử dụng các nguyên liệu tươi ngon, chất lượng như tiêu sọ Phú Quốc để tạo mùi, dùng nấm hương để tăng vị ngọt và độ dai, chị còn trộn nhiều loại thịt với nhau để tạo nên hương vị đặc biệt.
Chia sẻ về con đường nghề nghiệp này, chị cho biết phải đủ sự quyết tâm và kiên định thì mới gắn bó với công việc này, đặc biệt với nữ giới, bạn cần phải chuẩn bị một sức khỏe tốt để thích ứng với nghề nghiệp này. “Hãy luôn trau dồi bản thân mỗi ngày, từ kỹ năng đến kiến thức để bạn tỏa sáng theo chính cách của mình”, chị Nhi bày tỏ.
Một số món ăn do đầu bếp Nhi chế biến
1 của 7