Dấu chân người trẻ trên hành trình giữ gìn văn hóa
Chỉ cần thao tác quét mã QR đơn giản, khách du lịch bốn phương đã có trong tay thông tin đầy đủ, chi tiết về các di tích lịch sử quanh Hà Nội. Đây là công trình 'Số hóa các di tích' đang được các cơ sở Đoàn thanh niên trên địa bàn Thủ đô thực hiện rộng rãi.
Những ngày này, người dân làng Song Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) cũng như du khách cả nước ghé chân vào địa đạo cách mạng làng Tam Hưng đều thích thú với chiếc bảng có gắn mã QR đặt ngay lối cửa hầm. Địa đạo nằm trong chùa Bối Khê, được đào từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo các cụ cao tuổi trong thôn, hồi kháng chiến chống Pháp, chùa Bối Khê là cơ sở cách mạng. Nơi đây lưu lại nhiều chiến công của quân và dân Bối Khê. Trong đó tiêu biểu là hệ thống hầm kiểu mẫu được bắt đầu đào sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946. Hầm ban đầu dùng để nuôi giấu cán bộ, cất trữ lương thực, sau trở thành một “pháo đài” chặn đứng các cuộc càn quét của giặc.
Một trong những bước đi góp phần phục dựng lại hầm chính là gắn mã QR do Chi đoàn thanh niên Song Khê thực hiện. Chỉ cần thao tác quét mã đơn giản, du khách sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về hầm địa đạo bằng công nghệ hình ảnh 360° hiện đại kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giọng nói thuyết minh bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Nhờ những thông tin tra cứu mà nhiều bạn trẻ, và ngay cả những người trung niên trong làng mới thực sự hiểu rõ hơn về địa đạo. Địa đạo như một nhân chứng lịch sử, một biểu tượng cho tinh thần yêu nước mạnh mẽ, bất khuất của người dân Song Khê. Người ta cũng hiểu hơn về Song Khê - mảnh đất địa linh nhân kiệt còn vang mãi danh tiếng Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực (Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam).
Công trình “Số hóa địa chỉ đỏ” hầm địa đạo cách mạng đã thể hiện sức sáng tạo không ngừng của người trẻ trong ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn di tích, góp phần lan tỏa, hấp dẫn người dân, đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) nói riêng và các du khách thập phương nói chung dễ dàng tiếp cận và nắm rõ thông tin về nơi diễn ra sự kiện chiến đấu lịch sử và hy sinh anh dũng của cha ông ta.
Trước đó, tháng 2/2024, ngay sau lễ phát động Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn và ra quân Tháng Thanh niên năm 2024, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với quận Nam Từ Liêm tổ chức khánh thành công trình bản đồ số địa chỉ đỏ, lắp đặt mã QR tại chùa Thiên Trúc.
Chỉ một thao tác quét mã, du khách đã tự nắm trong tay những thông tin hữu ích mà không cần bất cứ hướng dẫn viên du lịch nào.
Ngoài chùa Thiên Trúc, 7 điểm di tích khác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là chùa Phùng Khoang; chùa Trung Văn; chùa Mễ Trì Hạ; trận địa pháo Giêng Đồng Sung; Bốt Đại Mỗ; chùa Thanh Quang; cây đa đình Hòe Thị cũng đồng loạt được tái hiện qua không gian bản đồ số và gắn mã QR.
Công trình “số hóa” di tích, địa chỉ đỏ, gắn mã QR để giúp các công trình lịch sử khoác thêm chiếc áo hợp thời hơn đang được Đoàn thanh niên khắp Hà Nội thực hiện.
Đoàn Thanh niên quận Ba Đình xây dựng chương trình trải nghiệm công nghệ VR360 đến các điểm du lịch nổi tiếng như Hoàng Thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Đền Quán Thánh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Các mã QR code được đặt tại Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục, phố đi bộ Hồ Gươm và tại 150 điểm khách sạn, nhà hàng, quán cà phê trên địa bàn quận. Từ đó, bất cứ ai cũng dễ dàng tương tác chân thực với di sản mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, với sự trợ giúp của kính đeo VR, tai nghe, người xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các di tích. Bởi công nghệ VR360 PLUS tái hiện tỉ mỉ từng góc cạnh, đặc điểm của di tích lịch sử qua việc xây dựng kiến trúc bóc tách từng lớp nhỏ bên trong và dựng thành khối 3D.
Quận đoàn Đống Đa phối hợp với Thành đoàn Hà Nội khánh thành công trình Bản đồ số địa chỉ đỏ tại điểm Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ - nơi Bác đã từng tới thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân phường Kim Liên năm xưa. Công trình Bản đồ số đã mang đến những tư liệu quý giá góp phần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng đoàn viên, thanh niên, nhân dân Thủ đô.
Quận đoàn Hai Bà Trưng cũng không chậm chân, thực hiện gắn mã QR tại cụm di tích chùa Quang Hoa – Thiền Quang - Pháp Hoa; chùa Liên Phái... Nhờ có mã QR mà Thành Hưng, một cán bộ trẻ tại phường Cầu Dền mới hiểu được chùa Liên Phái là di tích lịch sử văn hóa thuộc thế kỷ XVIII của Phật giáo tương đối quý hiếm, đã được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xếp hạng trong đợt đầu tiên năm 1962 của Bộ Văn hóa.
Trong không khí sôi nổi đó, Huyện đoàn Quốc Oai cũng “số hóa” tổng quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Công trình gồm các điểm gắn mã QR, bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, đặt tại một số điểm thuộc di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Khi người dân, khách du lịch đến tham quan di tích, sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR có thể truy cập và thấy lời thoại tự động bằng tiếng Việt, tiếng Anh giới thiệu về di tích, hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh các điểm thuộc di tích.
Đến chùa Thầy, khi ứng dụng công nghệ quan sát thực tế ảo, du khách có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu thông tin, tra cứu dựa vào tính năng chỉ đường. Mã QR tại ngôi chùa như cuốn “cẩm nang du lịch số”, giúp những du khách xa gần có thể tự tìm hiểu về di tích.
Ứng dụng quét mã QR tại các di tích lịch sử là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến, mang lại hiệu quả thiết thực đối với du khách. Thay vì cần đi theo đoàn và liên hệ trước để có hướng dẫn viên phục vụ khi tham quan như trước, ứng dụng quét mã QR cho phép du khách tiếp nhận thuyết minh tự động, hoặc nắm thông tin một cách đầy đủ nhất, tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc... Việc tích hợp mã QR vào địa điểm du lịch sẽ giúp du khách tìm hiểu và tham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống.
Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, đến nay, Đoàn thanh niên thành phố đã triển khai số hóa 322 địa chỉ đỏ. “Số hóa các địa chỉ đỏ được coi là bước đột phá trong hành trình bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Công trình QR Code các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội thực sự là một trong những sản phẩm tiên phong của tuổi trẻ Thủ đô trong cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số. Cùng với đó kích thích được sự phát triển mạnh mẽ trong triển khai công nghiệp văn hóa và du lịch trên địa bàn Thủ đô”, anh Nguyễn Đức Tiến khẳng định. Đây là những món quà của tuổi trẻ gửi đến thành phố, góp sức trẻ vào công cuộc bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp ngàn đời của các di tích lịch sử.
Trong năm 2023, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đã rà soát và triển khai thực hiện đối với 12 quận trên địa bàn với 150 điểm di tích. Trong thời gian tiếp theo, Đoàn Thanh niên thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng và thực hiện tới tất cả các địa chỉ đỏ tại các huyện, thị xã trên địa bàn. Đây sẽ là công trình thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-chan-nguoi-tre-tren-hanh-trinh-giu-gin-van-hoa.html