Dầu dừa có thực sự giúp giảm cân?

Dầu dừa có nhiều lợi ích sức khỏe từ việc giữ cho làn da mềm mại đến việc giảm lượng đường trong máu… Giảm cân cũng là một những lợi ích liên quan đến việc sử dụng dầu dừa. Vậy, dầu dừa có phải là giải pháp giảm cân dễ dàng như người ta tưởng?

1. Tại sao dầu dừa được coi là có tác dụng giảm cân?

Nội dung

1. Tại sao dầu dừa được coi là có tác dụng giảm cân?

2. Những nghiên cứu về dầu dừa nói lên điều gì?

Dầu dừa có nhiều chất béo bão hòa nhưng vẫn chưa rõ liệu sản phẩm phổ biến này có hiệu quả giảm cân như nhiều người khẳng định hay không.

Dầu dừa so với dầu chất béo chuỗi trung bình

Mọi người tin rằng loại dầu này có lợi cho việc giảm cân chủ yếu dựa trên tuyên bố rằng nó có thể làm giảm cơn đói, cũng như thực tế là các sản phẩm từ dừa có chứa chất béo cụ thể gọi là chất béo trung tính chuỗi trung bình (MCT).

MCT được chuyển hóa khác với chất béo trung tính chuỗi dài (LCT), được tìm thấy trong thực phẩm như dầu ô liu và bơ hạt. MCT bao gồm acid capric, caprylic, caproic và lauric - mặc dù có một số tranh cãi về việc đưa acid lauric vào danh mục này.

Nhiều người tin rằng dầu dừa có lợi cho việc giảm cân

Nhiều người tin rằng dầu dừa có lợi cho việc giảm cân

Không giống như LCT, 95% MCT được hấp thu nhanh chóng và trực tiếp vào máu - đặc biệt là tĩnh mạch cửa của gan và được sử dụng làm nhiên liệu ngay lập tức .

MCT cũng ít có khả năng được lưu trữ dưới dạng chất béo hơn LCT. Mặc dù MCT tự nhiên chiếm khoảng 50% chất béo trong dầu dừa nhưng chúng cũng có thể được tách ra và tạo thành một sản phẩm độc lập, nghĩa là dầu dừa và dầu MCT không giống nhau.

Dầu dừa bao gồm 47,5% acid lauric và ít hơn 8% acid capric, caprylic và caproic. Mặc dù hầu hết các chuyên gia phân loại acid lauuric là MCT nhưng nó hoạt động giống như LCT về khả năng hấp thụ và chuyển hóa.

Cụ thể, chỉ có 25 – 30% acid lauric được hấp thu qua tĩnh mạch cửa gan so với 95% của các MCT khác nên không có tác dụng tương tự đối với sức khỏe. Đây là lý do tại sao việc phân loại nó là MCT lại gây tranh cãi.

Ngoài ra, trong khi một số nghiên cứu phát hiện ra rằng dầu MCT làm tăng cảm giác no và tăng cường giảm cân, họ lại sử dụng các loại dầu có nhiều acid capric và caprylic và ít acid lauric, không giống như thành phần của dầu dừa.

Vì những lý do này, các chuyên gia cho rằng không nên quảng cáo dầu dừa có tác dụng tương tự như dầu MCT và kết quả từ các nghiên cứu MCT liên quan đến giảm cân không thể kết luận cho dầu dừa.

Có thể tăng cường cảm giác no

Dầu dừa có thể làm tăng cảm giác no và tăng cường điều chỉnh sự thèm ăn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung thực phẩm giàu chất béo như dầu dừa vào bữa ăn có thể làm tăng thể tích dạ dày, tạo cảm giác no hơn so với bữa ăn ít chất béo.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa có thể tạo cảm giác no hơn so với ăn thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác đã kết luận rằng cảm giác no không bị ảnh hưởng bởi mức độ bão hòa acid béo.

Do đó, vẫn chưa rõ liệu việc chọn dầu dừa thay vì các loại chất béo khác có mang lại lợi ích gì hơn trong việc tạo cảm giác no hay không.

2. Những nghiên cứu về dầu dừa nói lên điều gì?

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn dầu dừa có thể làm giảm viêm, tăng mức cholesterol HDL và thúc đẩy độ nhạy insulin. Tuy nhiên, trong khi nhiều nghiên cứu liên kết dầu MCT với việc giảm cân thì vẫn còn thiếu nghiên cứu về tác dụng giảm cân của dầu dừa.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ dầu MCT có thể thúc đẩy cảm giác no và việc thay thế LCT bằng MCT có thể dẫn đến giảm cân ở mức độ vừa phải.

Dầu dừa có rất ít bằng chứng thúc đẩy cảm giác no.

Dầu dừa có rất ít bằng chứng thúc đẩy cảm giác no.

Một số nghiên cứu nhỏ không ủng hộ tuyên bố rằng dầu dừa có thể làm giảm đáng kể cơn đói và tăng mức độ no. Một nghiên cứu trên 15 phụ nữ thừa cân cho thấy ăn sáng với 25ml dầu dừa ít hiệu quả hơn trong việc giảm cảm giác thèm ăn 4 giờ sau bữa ăn so với việc ăn cùng một lượng dầu ô liu.

Một nghiên cứu khác ở 15 trẻ mắc bệnh béo phì đã chứng minh rằng một bữa ăn có 20g dầu dừa không tạo ra cảm giác no hơn so với việc tiêu thụ cùng một lượng dầu ngô. Ngoài ra, một nghiên cứu ở 42 người trưởng thành cho thấy dầu dừa ít gây no hơn đáng kể so với dầu MCT chứa lượng lớn acid caprylic và acid capric nhưng làm no nhiều hơn một chút so với dầu thực vật.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng không nên áp dụng kết quả từ các nghiên cứu MCT cho dầu dừa và có rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng nó để thúc đẩy cảm giác no.

Trong khi nhiều người tin rằng tiêu thụ dầu dừa là một cách lành mạnh và hiệu quả để loại bỏ mỡ thừa trong cơ thể, thì có rất ít bằng chứng ủng hộ lý thuyết này. Một số nghiên cứu điều tra tiềm năng của loại dầu này trong việc tăng cường giảm cân đã không cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.

Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 91 người trưởng thành cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về trọng lượng cơ thể giữa các nhóm tiêu thụ 50g dầu dừa, bơ hoặc dầu ô liu mỗi ngày.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy dầu dừa có thể làm giảm mỡ bụng. Một nghiên cứu kéo dài 4 tuần ở 20 người trưởng thành mắc bệnh béo phì đã quan sát thấy rằng uống 2 muỗng canh (30ml) dầu dừa mỗi ngày giúp giảm đáng kể chu vi vòng eo ở những người tham gia là nam giới.

Một nghiên cứu khác kéo dài 8 tuần ở 32 người trưởng thành cho thấy rằng uống 2 muỗng canh (30ml) dầu dừa mỗi ngày không ảnh hưởng đến việc giảm cân hoặc tăng cân, cho thấy rằng loại dầu này có thể có tác dụng trung tính tốt nhất đối với cân nặng.

Dầu dừa không phải là thành phần kỳ diệu giúp giảm cân như được mô tả và cần có nhiều nghiên cứu hơn về tiềm năng thúc đẩy giảm mỡ và cảm giác no của nó. Tuy nhiên, dù có thể không giúp giảm cân nhưng dầu dừa là chất béo lành mạnh nên được tiêu thụ như một phần của chế độ ăn uống cân bằng.

Cần lưu ý là giống như tất cả các chất béo, dầu dừa có lượng calo cao. Khi cố gắng đạt được cân nặng mong muốn, hãy sử dụng nó với số lượng nhỏ để tăng hương vị cho món ăn trong khi vẫn kiểm soát được lượng calo.

Thay vì dựa vào các thành phần đơn lẻ để giảm cân thừa, sẽ có lợi hơn nếu bạn tập trung vào chất lượng tổng thể của chế độ ăn uống bằng cách tiêu thụ thực phẩm nguyên chất, giàu chất dinh dưỡng và thực hành kiểm soát khẩu phần ăn.

Bảo Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-dua-co-thuc-su-giup-giam-can-169231227111935617.htm