Đấu giá đất 'giảm nhiệt', các nhà đầu tư chuyển hướng sang đâu?

Các cuộc đấu giá đất gần đây ở Hà Nội đã hạ bớt nhiệt, những mức giá không còn quá sốc, giới đầu tư cả chuyên nghiệp và 'lướt sóng' bắt đầu dịch chuyển dần sang đất nền ăn theo quy hoạch đường vành đai 4.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đấu giá đất: Từ nghìn người xuống còn trăm người

Trong thời gian tháng 8, tháng 9, những cuộc đấu giá đất tại các huyện ở Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức có hàng nghìn người tham dự, các mức giá trúng đấu giá cao vọt lên so với mặt bằng giá đất chung trong khu vực. Trước tình trạng này, Bộ Xây dựng, Thành phố Hà Nội đều đã ra công văn yêu cầu kiểm tra, rà soát quá trình đấu giá đất. Sau các động thái của cơ quan quản lý, hàng loạt cuộc đấu giá đã bị tạm hoãn.

Theo các kế hoạch đấu giá đất đã được phê duyệt, từ tháng 10 vừa qua và trong tháng 11 này, nhiều huyện đã tổ chức lại các cuộc đấu giá. Hàng trăm lô đất tiếp tục được đưa ra đấu giá trở lại tại Hà Đông, Mỹ Đức, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Oai.

Mới nhất, ngày 24/11 vừa qua, huyện Thạch Thất đã tổ chức đấu giá 34 thửa đất tại xã Hương Ngải. Đường cao tốc nối từ khu vực Hồ Tây về thị xã Sơn Tây đang được xây dựng, khu vực Thạch Thất dự kiến sẽ là nơi có sự phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông trong thời gian ngắn vài năm sắp tới. Tuy vậy, phiên đấu giá đất đã không thực sự "nóng sốt". Thông tin từ Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất, phiên đấu giá thu hút hơn 300 người đăng ký tham gia, với 1.314 hồ sơ hợp lệ để đấu giá 34 thửa đất. Số lượng người tham dự và số lượng hồ sơ không phải quá ít nhưng đã không bằng so với thời gian "lập đỉnh" lúc trước. Sở dĩ số lượng hồ sơ vẫn cao là do 1 người được phép đăng ký đấu giá nhiều lô đất.

Số lượng người tham gia đấu giá đất đã giảm

Số lượng người tham gia đấu giá đất đã giảm

Các phiên đấu giá được tổ chức trở lại tại 2 "điểm nóng" mà Thanh Oai và Hoài Đức thì đã sụt giảm mạnh về số người đăng ký tham dự, với chỉ khoảng 100-200 nhà đầu tư và 300-400 hồ sơ đăng ký.

Vào tháng 8 vừa qua, sự kiện đánh dấu việc đấu giá đất bắt đầu "nóng sốt" khi buổi đấu giá 68 thửa đất tại xã Thanh Cao (Thanh Oai) có khoảng 1.500 người đăng ký, khoảng 3.000 người tham dự. Sau đó, phiên đấu giá đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) gây sốt khi giá trúng cao nhất được đẩy lên là 132 triệu đồng/m2. Vừa qua, 25 lô đất đã được đấu giá tại Thanh Oai, mức giá trúng cao nhất chỉ là 90 triệu đồng/m2, các mức giá trúng cơ bản nằm trong khoảng 60 đến 80 triệu đồng/m2.

Một nhà đầu tư chuyên đấu giá đất cho biết hiện tại khi các đội nhóm "tay to" đã bỏ cuộc, các cuộc đấu là "dân đấu với nhau". Các mức giá trúng đấu giá tại Thanh Oai và Hoài Đức về cơ bản không còn cao hơn quá nhiều so với mặt bằng giá đất chung. Việc các thửa đất sau khi trúng đấu giá được rao bán lại đi kèm tiền chênh là điều bình thường trên thị trường. Mức tiền chênh khoảng từ 200 đến 300 triệu đồng cho những thửa đất diện tích lớn, có giá trị cả chục tỉ cũng là điều mà người mua lại chấp nhận được.

Các lô đất đấu giá tại Hà Đông có mức trúng đấu giá dao động từ 130 triệu đồng đến 200 triệu đồng cũng không cao hơn so với mặt bằng giá đất trong khu vực.

Thị trường lại xôn xao "đất nền ăn theo đường vành đai 4"

Đấu giá đất đã bớt "ầm ĩ" nhưng vẫn rất thu hút. Cảnh "người dân" - nhà đất tư ôm hồ sơ vào đấu, trúng đấu giá và rao bán chênh ngay tại khu vực đấu giá vẫn là cảnh quen thuộc tại các cuộc đấu giá đất. Đất đấu giá sau đó được rao bán kèm chênh trên các nền tảng online. Qua khảo sát, nhiều môi giới cho biết sau những cuộc đấu giá, số lượng thửa đất nhiều lên và hiện ôm đất đấu giá đang bị chậm lại. Qua khảo sát, nhiều khu đất đấu giá đang trong cảnh vắng lặng, vắng bóng cả lực lượng "cò" đến kê ghế, căng bạt bán đất và khách đến xem mua đất.

Việc bất động sản trong khu vực trung tâm lên giá quá cao đã tác động lớn đến nhiều nhà đầu tư và người có nhu cầu mua nhà ở thực. Trên thực tế thị trường, đất nền chưa bao giờ hết "hot" mà luôn trồi sụt theo giai đoạn, đi kèm một lý do nào đó. Thời gian ngày càng gần những ngày cuối năm này, từ khóa "đường vành đai 4" đã thu hút sự quan tâm lớn hơn so với "đất đấu giá".

Trên các nền tảng rao bán bất động sản, hiện các lô đất nền ven đường vành đai 4 đi qua các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức (Hà Nội), các khu vực của Hưng Yên, Bắc Ninh được rao bán nhiều với giá tăng cao. Việc rất nhiều các dự án về hạ tầng giao thông và dự án bất động sản lớn được xây mới hoặc mở rộng theo giai đoạn tại các khu vực này cũng đã tác động và khiến giá bất động sản nhích lên.

Đất nền vẫn hấp dẫn và cụm từ "đất nền ăn theo vành đai 4" đang được đẩy lên trong thời gian này

Đất nền vẫn hấp dẫn và cụm từ "đất nền ăn theo vành đai 4" đang được đẩy lên trong thời gian này

Hồng Châm - một môi giới tại khu vực Mê Linh - cho biết: "Những câu chuyện về đất nền ăn theo đường vành đai 4 đã được nhắc đến từ 2 năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây bỗng lại thu hút hơn. Có nhiều khách hỏi và đến xem một số lô đất tôi đang được gửi bán nhiều hơn. Chủ có nhích nhẹ lên về giá nhưng tâm lý của khách là thăm dò. Hiện tại, khách hàng nắm rõ công nghệ hơn, biết check thông tin quy hoạch và biết so sánh đối chiếu, chỉ những mảnh đất thực sự đẹp, thực sự tiềm năng mới có thể có khả năng phát sinh giao dịch, mới đẩy lên được".

TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - nhận định, hạ tầng giao thông được xây dựng mới, hoàn thiện luôn là cú hích cho bất động sản nhưng thị trường luôn có hiện tượng các nhóm đầu cơ, nhóm môi giới lợi dụng các thông tin quy hoạch nhằm đẩy giá. Nhà đầu tư, người mua đất cần kiểm tra kĩ quy hoạch cụ thể, có thêm các thông tin về quy hoạch, về phát triển kinh tế của cả khu vực, nắm rõ về pháp lý của khu đất, cần tỉnh táo trước khi quyết định "xuống tiền".

Quang Thái

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dau-gia-dat-giam-nhiet-cac-nha-dau-tu-chuyen-huong-sang-dau-20241126155511401.htm