Dấu hiệu bất động sản 'thoát đáy'
Thống kê của nhiều doanh nghiệp cũng như tổ chức bất động sản (BĐS) cho biết, lượng giao dịch thành công trên thị trường BĐS có xu hướng tăng, thanh khoản đang dần được cải thiện.
Giao dịch khởi sắc
Nếu như quý II/2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý I. Đến quý III, thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I/2023. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2023, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, trong 2 tháng trở lại đây, thị trường căn hộ TPHCM và vùng lân cận đã ghi nhận giao dịch trở lại. Thanh khoản căn hộ chuyển biến tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023.
“Những chính sách bán hàng tốt, giá hợp cùng các cách làm thiết thực của chủ đầu tư đang giúp thanh khoản phân khúc căn hộ cải thiện. Mặc dù trong năm 2023 thị trường nhà ở vẫn còn khoảng cách lớn về nguồn cung và tỉ lệ hấp thụ so với các năm trước nhưng những tín hiệu tích cực của thị trường đã giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định. Người mua hiện dần dễ dàng tiếp cận hơn với các khoản vay mua nhà” - bà Dung nói.
Thực tế, thời gian qua, những chính sách, cơ chế được nhà quản lý đưa ra với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp, cùng với đó thông tin về hàng trăm dự án được tháo gỡ, tái khởi động trở lại... góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia, giúp thị trường khởi sắc rõ nét.
Lượng giao dịch tăng cùng với các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường. Chị Trần Thu, một môi giới bất động sản ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, hơn 1 tháng nay có nhiều khách hàng chủ động hỏi chị về một số dự án ở quận Long Biên. Nhìn chung cứ có căn hộ chung cư nào bung ra là khách hàng đua nhau hỏi giá.
Tương tự, một môi giới khác hoạt động khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, các giao dịch vẫn “túc tắc” diễn ra, thanh khoản tốt hơn so với thời điểm đầu năm. Trong đó giao dịch căn hộ chung cư vẫn nổi trội hơn tất cả.
Tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý
Theo phân tích của giới chuyên gia, thị trường BĐS đang có nhiều điểm sáng nhưng các khó khăn vẫn còn. Trong thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương vẫn cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án BĐS, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BĐS cả về phía người bán và người mua...
TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho rằng tình trạng đình trệ của thị trường BĐS thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Theo đại diện VNREA, thực tiễn một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, tâm lý né tránh không muốn làm, cũng như trong phối hợp với các cơ quan trung ương để giải quyết khó khăn cho DN; ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.
Thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực BĐS, đặc biệt dự kiến tại kỳ họp tới, Quốc hội Khóa XV sẽ thông qua Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi. “Chúng tôi tin rằng các chính sách nói trên có thể tháo gỡ được nhiều nút thắt của thị trường BĐS, tuy nhiên cần có những giải pháp đồng bộ hơn” - ông Khôi lưu ý.
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và tài chính cho thị trường BĐS hiện nay, TS Cấn Văn Lực phân tích có 6 yếu tố chính tác động tới BĐS: kinh tế vĩ mô; môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát BĐS; quy hoạch và kết cấu hạ tầng; tài chính; cung cầu và giá cả; thông tin dữ liệu minh bạch.
Hiện nay, chúng ta tập trung chính vào pháp lý và tài chính. Trong đó, vấn đề về pháp lý là rào cản lớn nhất. Ông Lực đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cụ thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Chứng khoán... đẩy mạnh rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan.
Hà Nội sẽ mở bán 4.500 căn chung cư
Theo Công ty TNHH CBRE, nguồn cung căn hộ chung cư mở bán mới tại Hà Nội trong quý vừa qua đạt xấp xỉ 3.000 căn từ 9 dự án. Con số này đánh dấu mức tăng hơn 1,5 lần so với nguồn cung mới trong trước đó (quý II/2023). Xét lũy kế cả 3 quý của năm 2023 thì tổng nguồn cung căn hộ chung cư tại Hà Nội đạt 6.925 căn, vẫn giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, cả năm 2023, tổng nguồn cung mới căn hộ chung cư tại Hà Nội sẽ ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, kể từ năm 2013. Đáng chú ý, hơn 90% nguồn cung mới trong quý III vừa qua thuộc phân khúc cao cấp với phần lớn được phát triển trong các khu đô thị lớn ở Nam Từ Liêm và Gia Lâm. Khu vực phía Tây vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị phần nguồn cung căn hộ tại Thủ đô với số căn hộ mở bán mới chiếm gần 62% tổng nguồn cung quý III. Dự kiến trong quý IV/2023 sẽ có hơn 4.500 căn chung cư mở bán, nâng tổng nguồn cung mới cả năm 2023 đạt 11.400 căn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dau-hieu-bat-dong-san-thoat-day-5741664.html