Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ não, đột quỵ tim cần cấp cứu

Thời tiết lạnh, không chỉ người cao tuổi mà người trẻ cũng có nguy cơ mắc đột quỵ và đột tử.

Cần hiểu rõ về “đột quỵ” do mạch máu não và “đột tử” do tim mạch để đề phòng, cấp cứu kịp thời.

Lạnh co mạch máu, thanh niên trẻ cũng hôn mê

Thông tin từ Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân của toàn Trung tâm.

Điển hình như trường hợp bệnh nhân nam (31 tuổi) chuyển tới Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chảy máu não thường đột ngột, diễn biến nhanh. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% là chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch…

 BSCKII Nguyễn Tiến Dũng thăm khám bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai- Ảnh BVCC

BSCKII Nguyễn Tiến Dũng thăm khám bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai- Ảnh BVCC

Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Cụ thể, ở miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12.

Tại miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1, số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30-50 % tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.

Thời tiết lạnh có thể làm co các mạch máu, làm tăng áp lực lên mạch máu và dẫn đến tăng huyết áp, từ đó dẫn đến xuất huyết não – nguyên nhân đột quỵ phổ biến. Hơn thế nữa, khi trời lạnh, cơ thể sản xuất nhiều hồng cầu lẫn tiểu cầu, làm cho máu vón cục và hình thành máu đông, dẫn đến đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não.

Phân biệt đột quỵ và đột tử

TS.BS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cảnh báo, nhiều người thường hay nhầm lẫn khái niệm “đột quỵ” và những trường hợp tử vong đột ngột do bệnh lý tim mạch. Thế nhưng, nói một cách dễ hiểu, khái niệm “đột quỵ” đề cập đến bệnh lý bởi nguyên nhân mạch máu não, còn “đột tử” là tử vong do bệnh lý tim mạch.

Đột quỵ thường được nhắc đến là “đột quỵ não” hay còn gọi là “tai biến mạch máu não”. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương không hồi phục (mất chức năng vĩnh viễn) do không được cung cấp máu lên nuôi dưỡng kịp thời.

Đột quỵ não gồm hai thể: Đột quỵ vỡ mạch máu não xảy ra do mạch máu não bị vỡ ra, khiến máu tràn vào trong hoặc xung quanh não; Đột quỵ do nhồi máu não xảy ra do cục huyết khối (cục máu đông), xơ vữa động mạch, gây tắc nghẽn hoặc cản trở lượng máu và các chất dinh dưỡng lên nuôi dưỡng các tế bào não.

 Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Đột tử có bốn nguyên nhân chính gây ra là: Vấn đề về tim mạch, đột quỵ, thuyên tắc phổi, vỡ động mạch chủ. Trong đó các vấn đề về tim mạch chiếm tỷ lệ lớn.

Đột tử do bệnh tim mạch có thể hiểu như là “đột quỵ tim” vì đây là tình trạng người bệnh chết một cách bất ngờ, đột ngột ngay lập tức khi vừa phát hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do các bệnh lý cấp tính về tim mạch kể trên (hay gặp nhất là ngừng tim và nhồi máu cơ tim).

Như vậy, đột tử do bệnh lý tim mạch được hiểu cơ bản là tình trạng người bệnh bị chết đột ngột do thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim dẫn tới hoại tử mô cơ tim.

Các nguyên nhân gây ngừng tim chủ yếu do một số bệnh lý tim mạch như: Bệnh cơ tim phì đại hoặc giãn to, bất thường động mạch, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim trầm trọng (cơn nhịp nhanh thất, rung thất), hội chứng Brugada,…

Các nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim cấp: Xơ vữa động mạch, cục máu đông (huyết khối), co thắt động mạch vành, bóc tách động mạch chủ, dị dạng động mạch bẩm sinh.

Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ não, đột quỵ tim cần cấp cứu ngay

Đột quỵ não: Méo mặt, méo miệng thường ở một bên. Rõ nhất khi người bệnh há lớn miệng hoặc cố gắng mỉm cười; Yếu tay thường ở một bên. Đưa 2 tay lên không đều nhau; Nói không rõ chữ, nói lắp, nói khó, không diễn đạt được điều muốn nói, thậm chí không thể nói được; Nhiều trường hợp mất ý thức, hôn mê sâu và dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Đột quỵ tim: Đau hoặc tức ngực; Choáng váng, buồn nôn hoặc nôn ói; Đau hàm, cổ hoặc lưng; Khó chịu hoặc đau ở cánh tay hoặc vai; Khó thở.

Ngoài ra, khi có các triệu chứng: Khó thở, chóng mặt, đau hoặc tức ngực, ho ra máu hoặc đau bụng dữ dội, đau thắt lưng dữ dội, tụt huyết áp, sốc, bụng nổi khối... cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế, để được thăm khám và xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do thuyên tắc động mạch phổi và phình hoặc vỡ động mạch chủ.

Phòng tránh đột quỵ não và đột tử do bệnh tim mạch

Hiệp hội Tim học Hoa Kỳ (AHA) đánh giá sức khỏe tim mạch quốc gia bằng cách theo dõi 7 yếu tố sức khỏe và hành vi chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ: “Life’s Simple 7” (7 nguyên tắc sống đơn giản) và đo lường những chỉ số này để theo dõi tiến trình cải thiện sức khỏe tim mạch.

7 nguyên tắc sống đơn giản gồm có: Không hút thuốc, hoạt động thể chất, chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng, khả năng kiểm soát cholesterol, huyết áp và đường huyết.

Thúy Nga/ Đời sống

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/dau-hieu-canh-bao-con-dot-quy-nao-dot-quy-tim-can-cap-cuu-2064968.html