Dấu hiệu cảnh báo u nang tuyến thượng thận
U nang tuyến thượng thận là bệnh ít gặp, tỷ lệ mắc 0,064%-0,18%, chiếm khoảng 4% tổng số khối nang tại tuyến thượng thận.
Trong đó, chỉ 10% trường hợp xuất hiện tình trạng tăng tiết hormone, biểu hiện qua các triệu chứng như tim đập nhanh, yếu hoặc liệt tay chân, tăng cân nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, tiểu nhiều, nhanh khát nước, khó thở.
Còn lại, do không làm tăng tiết hormone (gọi là nang tuyến thượng thận không tiết) nên người bệnh thường không nhận thấy triệu chứng nào, chỉ tình cờ phát hiện khi siêu âm bụng.
Đây là trường hợp của chị M.D.Q. (45 tuổi, Bình Phước). Chị đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng trước. Bác sĩ siêu âm phát hiện một cấu trúc nghi ngờ là nang tại thận trái.
Để chẩn đoán chính xác, chị được chụp cắt lớp vi tính (CT), xác định một khối u nang tuyến thượng thận kích thước 1,5 cm. 6 tháng sau, chị tái khám, phát hiện kích thước nang tuyến thượng thận đã tăng lên 2,8 cm, gần gấp đôi kích thước ban đầu.
Thạc sĩ bác sĩ Phan Đức Hữu, Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, hầu hết u nang tuyến thượng thận lành tính, người bệnh không có triệu chứng, không cần điều trị, chỉ cần theo dõi định kỳ 6 tháng/lần. Ở trường hợp của chị Q., u nang tuyến thượng thận đang tiến triển.
Khả năng chuyển sang ác tính càng tăng lên khi nang tuyến thượng thận ngày càng lớn lên. Một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Serbia cho thấy có đến 28%-37% (khoảng một phần ba) số trường hợp nang tuyến thượng thận lớn hơn 5 cm được điều trị bằng phẫu thuật là khối u ác tính.
Sau khi làm các xét nghiệm đánh giá hormone tuyến thượng thận ổn định, bác sĩ Hữu chỉ định phẫu thuật lấy khối nang ra. Với nang tuyến thượng thận dưới 7 cm như trường hợp của chị Q., phẫu thuật nội soi được ưu tiên lựa chọn. Ngược lại, nếu nang lớn hơn 7 cm, bác sĩ cần mổ mở.
Người bệnh được đặt nằm nghiêng sang phải. Bác sĩ Hữu và cộng sự phối hợp tạo 3 lỗ nhỏ 1-2 cm trên hông lưng trái người bệnh để đưa các thiết bị mổ nội soi vào bên trong.
Quan sát trên màn hình nội soi Karl Storz 3D/4K, bác sĩ cẩn thận bóc tách khoang tuyến thượng thận, tìm khối nang. Sau khi xác định nang ở mặt sau phía trên tuyến thượng thận, bác sĩ kẹp tĩnh mạch tuyến thượng thận nhằm ngắt các mạch máu nuôi khối nang, rồi cắt bỏ cả khối nang và tuyến thượng thận. Ca phẫu thuật kết thúc sau 120 phút.
Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, ít mất máu, ít đau, vết thương phục hồi nhanh. Chị Q. được ra viện 3 ngày sau phẫu thuật.
Tuyến thượng thận có hình tam giác nằm ngay trên đỉnh hai quả thận. Tuyến thượng thận tiết ra các hormone giúp điều chỉnh một số chức năng quan trọng của cơ thể như: trao đổi chất, nhịp tim, huyết áp, hệ thống miễn dịch, phát triển các đặc điểm sinh dục giới tính, giảm căng thẳng.
Theo bác sĩ Hữu, dù mất đi một bên tuyến thượng thận nhưng nồng độ hormone tuyến thượng thận thường không ảnh hưởng do tuyến thượng thận còn lại khỏe mạnh.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chị Q. cần định kỳ theo dõi mức độ hormone tuyến thượng thận 3-6 tháng/lần. Ngoài ra, tái khám định kỳ giúp bác sĩ theo dõi khối u nang có tái phát hay không để có phương án điều trị phù hợp.
Hiện chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của các khối nang tuyến thượng thận. Tuy nhiên, một số tình trạng di truyền có thể làm tăng nguy cơ như: Bệnh đa polyp tuyến gia đình (rối loạn di truyền khiến nhiều polyp mọc lên trong ruột già), đa u tân sinh tuyến nội tiết loại 1 và loại 2, u sợi thần kinh loại 1, hội chứng Li-Fraumeni (bệnh di truyền thường gặp ở người trẻ, khiến người bệnh có thể phát triển nhiều hơn một loại ung thư trong cuộc đời)… Ngoài ra, người béo phì hay có thói quen hút thuốc lá cũng có nguy cơ mắc nang tuyến thượng thận cao hơn.
Nang tuyến thượng thận phổ biến hơn ở phụ nữ hơn so với nam giới. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Bác sĩ Phan Đức Hữu khuyến cáo người có biểu hiện tim đập nhanh, tăng cân nhanh trong thời gian ngắn, tay chân đột ngột yếu hoặc không thể cử động, mệt mỏi, nhức đầu, xuất hiện vết rạn trên da bụng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (ở nữ giới), tăng mô vú (ở nam giới)… cần đến bệnh viện khám sớm và điều trị phù hợp.
Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần để phát hiện sớm những tổn thương tại tuyến thượng thận (nếu có) để có phương án xử lý hiệu quả.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-hieu-canh-bao-u-nang-tuyen-thuong-than-d215605.html