Dấu hiệu đường huyết tăng cao vào ban đêm, người bệnh tiểu đường có dấu hiệu này cần cảnh giác

Người bệnh tiểu đường nên nắm rõ dấu hiệu tăng đường huyết vào ban đêm để có biện pháp kịp thời phòng tránh biến chứng.

Đường huyết tăng cao vào ban đêm nguy hiểm thế nào?

Đường huyết tăng cao vào ban đêm là tình trạng thường gặp ở người bị bệnh tiểu đường. Chỉ số đường huyết tăng cao là khi đo đường huyết có chỉ số trên 126 mg/dL (7,0 mmol/L) lúc đói hoặc trên 200 mg/dL (11,1 mmol/L) vào khoảng 2 giờ sau khi ăn.

Đôi khi, đường huyết tăng cao vào ban đêm sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhất là khi đường huyết tăng cao liên tục trong thời gian dài có thể gây tổn thương mạch máu và các dây thần kinh, gây các biến chứng nguy hiểm ở mắt, tim, thận và các cơ quan khác trên cơ thể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, mức đường huyết cao còn có thể gây nhiễm toan ceton do tiểu đường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và có thể đe dọa đến tính mạng.

Dấu hiệu đường huyết tăng cao vào ban đêm

Đi vệ sinh nhiều lần

Một trong những cách để cơ thể loại bỏ lượng đường dư thừa hoặc chất thải là thông qua đi tiểu. Khi có có quá nhiều đường trong máu, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ nó khỏi cơ thể và điều này khiến bàng quang hoạt động quá mức. Kết quả là người bệnh phải đi vệ sinh nhiều lần trong đêm.

Cổ họng khô rát

Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Mỹ (NIDDK), khô miệng trong số những vấn đề phổ biến nhất mà người bệnh tiểu đường gặp phải. Nguyên nhân có thể do mất nước, đường huyết tăng, biến chứng thận tiểu đường hay tác dụng phụ của một số thuốc. Cả khô miệng, họng đều có thể khiến bệnh nhân tiểu đường mất ngủ về đêm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thị lực giảm

Người bệnh có cảm giác nhìn mọi thứ mờ đi vào ban đêm, khó đọc thì có thể do bệnh võng mạc tiểu đường. Điều này xảy ra khi lượng đường trong máu cao làm hỏng mạch máu và dây thần kinh trong mắt. Bệnh võng mạc có thể dẫn đến tầm nhìn suy giảm, nhìn mờ.

Đói sau bữa tối

Bệnh tiểu đường có thể gây ra cơn đói cồn cào, cảm giác thèm ăn quá mức ngay cả khi đã ăn nhiều trong bữa tối. Đây là chứng ăn nhiều xảy ra do các vấn đề về insulin cản trở quá trình chuyển glucose (đường) thành năng lượng.

Kiểu thèm ăn này có thể ảnh hưởng đến người bị tăng đường huyết và hạ đường huyết. Đôi khi nó cũng cảnh báo sớm bệnh nhiễm toan đái tháo đường, một biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng do cơ thể sản xuất axit máu quá mức.

Người bệnh tiểu đường cần làm gì để không bị tăng đường huyết trong đêm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để giữ đường huyết ổn định, bạn chỉ nên ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Đồ ăn nhẹ nên kết hợp protein, chất béo lành mạnh, chất xơ và hạn chế carbohydrate. Một số thức ăn nhẹ phù hợp tiêu chí này như: Một chén các loại hạt không muối, phô mai ít béo và bánh quy làm từ lúa mì (mỗi loại 100 g), một quả táo 100 g và một muỗng canh (16 g) bơ đậu phộng, 100 g sữa chua thêm chút trái cây, một phần ba cốc bỏng ngô,...

Ngoài ra, người bệnh cần tập thể dục thường xuyên, uống uống thuốc tiểu đường đúng liều, kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc... giúp duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh vào ban ngày, đây cũng là cách ngăn ngừa đường huyết cao vào ban đêm.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dau-hieu-duong-huyet-tang-cao-vao-ban-dem-nguoi-benh-tieu-duong-co-dau-hieu-nay-can-canh-giac-172250415173547188.htm