Dấu hiệu nguy hại của TikTok - Bài 1: Người người, nhà nhà làm... TikTok
LTS: Mạng xã hội TikTok phát triển khá nhanh ở Việt Nam. Sự tiện lợi về cách sử dụng để thông tin, trình bày tư tưởng, ý kiến, hành động... của cá nhân trước cộng đồng mạng khiến cho sản phẩm trên TikTok rất đa dạng. Nếu như các sản phẩm của TikTok đều hướng tới tính chân-thiện-mỹ, làm cho xã hội, con người tốt lên thì là điều đáng mừng. Nhưng thực tế TikTok hiện nay ở Việt Nam đang có dấu hiệu 'gây nghiện' đối với con người và làm chai lỳ tư duy của con người, không kém hiện tượng nghiện game trước đây.
Sự phát triển của mạng xã hội TikTok và những lợi ích nó mang lại đang cuốn nhiều người, nhiều gia đình cùng tham gia vào sản xuất, sáng tạo nội dung phục vụ người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm mang lại ý nghĩa, giá trị tốt đẹp cho con người, xã hội thì TikTok cũng đang có dấu hiệu “gây nghiện” và tràn lan những video vô bổ, phản cảm, độc hại.
Từ “cơn bão” game
Cách đây khoảng 10 năm, “cơn bão” game (trò chơi điện tử) tràn vào Việt Nam, khiến cho các quán game mọc lên như nấm sau mưa. Các quán game này luôn tấp nập giới trẻ ra vào và gần như sáng đèn 24/24 giờ. Có nhiều nam thanh, nữ tú đã đổ gục tại bàn game, bởi chơi đến quên ăn, quên ngủ. Trong số những người mê game ấy chỉ có một vài người trở thành game thủ (người chơi chuyên nghiệp), được đăng ký đi thi đấu tại các giải đấu chính thức trong nước và quốc tế, kiếm sống bằng game thực sự, thậm chí có một số người còn sản xuất ra game. Đó là những người có chí hướng phấn đấu rõ ràng và họ được đào tạo bài bản về lĩnh vực game. Còn lại, hầu hết là những người hùa theo đám đông, mê mải giết thời gian, sức lực, trí tuệ vào những trò chơi vô bổ. Điều đáng nói là những người chơi game, nghiện game đều là những thanh, thiếu niên đang độ tuổi đến trường, hoặc là lao động chính của gia đình. Thế nhưng, vì mải game nên nhiều thiếu niên đã lỡ dở việc học hành, nhiều thanh niên đã bỏ lỡ cơ hội để có thể làm nên sự nghiệp.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Huy H, một trong những người từng nghiện game có tiếng ở tổ 6, phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Khi ngồi vào bàn game thì dường như tôi bị một sức hút vô hình hút chặt vào. Cứ bài nọ tiếp nối bài kia, đến nỗi đi vệ sinh còn không muốn đứng dậy. Có lần tôi đã định chơi liên tục 48 tiếng không nghỉ để... lập kỷ lục với đám bạn. Khi ấy trên bàn game chỉ có chai nước và gói mì ăn liền. Nhưng chỉ được khoảng 30 tiếng thì mắt dường như mờ đi nên đành phải lảo đảo ra về... Thời gian đó, ngày nào mà tôi không đến quán game được vài tiếng thì chân tay cứ bứt rứt, trong đầu lúc nào cũng luẩn quẩn các hình ảnh của bài game”. Cũng may là từ lần đó H đã quyết tâm “cai” game, nay đã có vợ con và mở được cửa hàng bán trái cây nho nhỏ.
Thực sự là số người đã nghiện game và cai được như H không nhiều, phần lớn số thanh niên cùng thời với H bây giờ đã qua tuổi xuân, họ chấp nhận một cuộc sống không nghề nghiệp, vất vả mưu sinh bằng cách ai thuê gì thì làm nấy và cũng không ít người dính vào các tệ nạn xã hội, vướng vào lao lý. Cũng không ít người nghiện game khiến cho sức khỏe, tinh thần suy sụp, mắc bệnh trầm cảm, thậm chí là tâm thần do thức khuya liên tục trong thời gian dài.
Đến “cơn lốc” TikTok
So với game, TikTok dường như có độ phủ rộng hơn về đối tượng tiếp cận, bởi nó có thể đáp ứng nhu cầu xem/nghe của mọi tầng lớp người, không phân biệt già trẻ, trai gái, vùng miền. Nhân vật trong sản phẩm của các TikToker (người sử dụng TikTok) cũng rất đa dạng với đầy đủ các thành phần nam, phụ, lão, ấu, thậm chí là cả chó, mèo, chim, cá v.v.. Các sản phẩm của TikTok hiện nay là những đoạn video, bản ảnh, đoạn lời thoại... về đủ các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục... và cả lĩnh vực có tính chất tâm linh, mê tín như tướng số, bói toán, phong thủy...
Mục đích chủ yếu của các sản phẩm TikTok là hướng dẫn, dẫn dắt đối tượng đọc/nghe/xem một lĩnh vực nào đó mà chủ sản phẩm đã xác định trước. Đôi khi các sản phẩm cũng chỉ mang tính giải trí đơn thuần được trình bày dưới dạng một video hoặc một đoạn hội thoại ngắn. Thế nhưng, mục tiêu cuối cùng của các TikToker là được nhiều người theo dõi (follow), sản phẩm của mình có càng nhiều view (lượt xem) thì càng tốt, bởi họ sẽ được nhà mạng trả tiền theo tỷ lệ thuận với số lượng xem, theo dõi. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng dựa vào lượng xem trên mỗi sản phẩm và dựa vào danh tiếng của các TikToker để lựa chọn và quyết định có ký kết hợp đồng quảng cáo với TikToker đó hay không. Như vậy có thể nói, mục đích của nhiều TikToker rất rõ ràng, họ không phải chỉ làm để “thỏa nỗi đam mê” mà là làm TikTok để có thu nhập.
Sự thuận lợi trong ứng dụng công nghệ và những đồn thổi về cách kiếm tiền “dễ dàng” từ TikTok đã khiến cho nhiều người đua nhau đi làm TikTok. Thế nên trên mạng xã hội đang tràn lan những clip với đủ các nhân vật thuộc các tầng lớp trong xã hội. Có những video toàn ông già, bà lão xuất hiện với những cảnh nhảy nhót, múa may; có video thì con ghi hình bố, mẹ trong trạng thái lú lẫn do tuổi già; rồi video vợ chồng lừa nhau vì tiền bạc, trẻ em xách mé cha mẹ v.v.. Ngay cả những chuyện nhạy cảm, đáng ra phải kín đáo như chuyện phòng the chăn gối, chuyện giới tính nam, nữ... cũng đều được các TikToker vô tư phơi bày trên mạng. Một số người còn lợi dụng TikTok để quảng bá những sản phẩm không rõ nguồn gốc như thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... kèm hướng dẫn sử dụng.
Có thể nói, hiện nay, TikTok đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống con người, hệt như một cơn lốc trong cộng đồng mạng. Cái lợi của TikTok là có thể đem đến sự giải trí, thư giãn trong chốc lát. Nhưng trên thực tế nó đã có dấu hiệu gây nghiện và gây ra nhiều hệ lụy đối với người xem, nhất là những người trẻ, vị thành niên.
(còn nữa)