Dấu hiệu nhận biết hội chứng rung lắc ở trẻ
Hội chứng rung lắc là một chấn thương não nghiêm trọng, thường xảy ra khi bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ rung lắc trẻ để giải tỏa sự cáu gắt hay thất vọng, thường bởi trẻ không ngừng khóc.
Hội chứng rung lắc là gì?
Hội chứng rung lắc (Shaken baby syndrome – SBS) là một chấn thương não nghiêm trọng, thường xảy ra khi bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ rung lắc trẻ để giải tỏa sự cáu gắt hay thất vọng, thường bởi trẻ không ngừng khóc. Hội chứng này phổ biến hơn ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh đến 8 tháng, bởi đó là lúc trẻ có xu hướng khóc nhiều nhất. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.
Ở độ tuổi này, khối lượng đầu trẻ chiếm tỉ trọng lớn, khoảng 1⁄4 trọng lượng cơ thể, các cơ cổ còn yếu chưa giữ được sức nặng của đầu. Não bộ trẻ chưa phát triển, xương sọ mềm, màng não mỏng, có khoảng trống giữa não và xương sọ nên khi trẻ bị rung lắc, nhất là khi bị tung hứng, quay tròn mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính và va đập vào xương sọ gây tổn thương não nặng nề. Lực va chạm này sẽ đột ngột tăng lên nếu đầu trẻ bị va chạm vào bề mặt cứng.
Nguyên nhân gây ra Hội chứng rung lắc là gì?
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này thường là do việc rung lắc quá mạnh nhằm dỗ cho trẻ bớt khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa với trẻ như: bế xốc, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, ẵm trẻ đưa lên cao làm máy bay… Trẻ có thể gặp nguy hiểm dù chỉ với 5 giây lắc. Hội chứng rung lắc ở trẻ nhỏ được so sánh tương tự như người lớn bị tai nạn chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.
Trong độ tuổi này, trọng lượng đầu trẻ chiếm khoảng 1/4 trọng lượng cơ thể, não bộ chưa phát triển nhiều, lại nằm “trôi nổi” trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh và cơ cổ rất yếu ớt mỏng manh. Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng tròn, khối não sẽ di chuyển theo quán tính và có thể bị va đập vào bên trong hộp sọ, làm não bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não.
Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, giảm khả năng học tập. Nếu tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị Hội chứng rung lắc
Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Dương Minh Đạt, biểu hiện của hội chứng rung lắc thường đa dạng, chúng ta thường không có chuyên môn, thường không chú ý, cứ nghĩ là bình thường và mình đi làm việc khác nên khó phát hiện. Tuy nhiên các dấu hiệu cơ bản sau đây có thể gợi ý cho ba mẹ nhận biết việc rung lắc trẻ quá mức để đưa bé đi kiểm tra ngay lập tức:
Đờ đẫn, lơ mơ, hoặc ngủ mê mệt, chân tay nhão/mềm nhũn.
Trẻ bị kích thích quá mức, thay đổi hành vi thông thường.
Da xanh tái, rõ nhất vùng trán.
Ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng.
Khó thở, ngừng thở hoặc co giật.
Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên, khó nhìn bên này bên kia khi phải quay cổ.
Hội chứng rung lắc gây ra những hậu quả gì?
Việc rung lắc ở trẻ, dù có hay không sự giảm tốc độ đột ngột của đầu do va vào bề mặt cứng, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng sau:
Tụ máu dưới màng cứng: Là sự tích tụ máu giữa bề mặt não và màng cứng (lớp màng xơ bao quanh bề mặt não). Xảy ra khi những tĩnh mạch cầu nối giữa não và màng cứng bị kéo căng vượt quá khả năng đàn hồi, vỡ ra và chảy máu.
Tụ máu dưới nhện: Là sự tích tụ máu giữa màng nhện (lớp màng giống như màng lưới bao quanh bề mặt não chứa đầy dịch não tủy) và não.
Chấn thương trực tiếp trên bề mặt não khi não đập vào mặt trong của bản sọ.
Sự xé rách hoặc đứt gãy các nhánh tế bào thần kinh ở vỏ và các cấu trúc sâu của não gây bởi sự va chạm đối với não.
Những tổn thương cho tế bào não khi những sợi thần kinh bị tổn thương giải phóng chất hóa học gắn kết với oxy lấy đi từ não.