Dấu hiệu nhận biết mắc cúm
Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi, phần lớn người bệnh có thể theo dõi tại nhà, một tỷ lệ sẽ chuyển nặng, cần nhập viện.
Theo TS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra. Các triệu chứng phổ biến gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, cảm giác khó chịu. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Với trẻ nhỏ, ban đầu sốt từ 38 độ trở lên, cảm giác nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trẻ cũng có thể nôn, trớ nhiều lần trong ngày, háo nước. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng, trẻ sốt cao trên 39 độ C, bỏ ăn, bỏ bú, lòng bàn tay và gan bàn chân lạnh, trẻ thở nhanh, ngủ li bì. Nặng hơn, trẻ có thể sốt cao đến co giật.
Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.
Những biểu hiện nghiêm trọng này có thể là do bản thân virus cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus khác xảy ra sau nhiễm cúm làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể. Bệnh nặng hơn thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim.
Ai cũng có nguy cơ mắc cúm, kể cả người khỏe mạnh. Nhóm có nguy cơ gặp biến chứng nặng là người từ 65 tuổi trở lên, người mắc một số bệnh mạn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hàng năm. Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh, bao gồm 3 - 5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, hằng năm vẫn ghi nhận 600.000 đến một triệu trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm.
Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc, với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A(H1N1). Trong đó, có ghi nhận những ca tử vong do cúm mùa gây nên.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Tiêm vaccine phòng bệnh, phòng cúm mùa.
- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dau-hieu-nhan-biet-mac-cum-ar924103.html