Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính thứ 4 tại Việt Nam, cần cảnh giác các triệu chứng đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, sụt cân không rõ lý do, đi tiêu phân đen...
Ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính thứ 4 tại Việt Nam, cần cảnh giác các triệu chứng đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, sụt cân không rõ lý do, đi tiêu phân đen...
Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, Việt Nam ước tính có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó, ung thư dạ dày xếp thứ 4 sau ung thư gan, phổi, vú.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thoại, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết ung thư dạ dày là sự phát triển quá khả năng kiểm soát của một trong các cấu trúc thành dạ dày tạo nên khối u. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh là chế độ dinh dưỡng nhiều chất đạm, béo, ít rau xanh trái cây. Thịt hay cá được chế biến dưới dạng ngâm tẩm hay muối, tiêu thụ nhiều nitrate (thức ăn xông khói, khói thuốc lá), thức ăn nhiễm nấm aflatoxin (các loại hạt bị mốc), nghiện rượu nặng... cũng dễ dẫn đến ung thư dạ dày.
Ngoài ra, môi trường nhiễm phóng xạ, nơi sản xuất cao su, than đá, nhiều khói thuốc lá, có thể làm tăng khả năng gây bệnh. Gia đình có người thân trực hệ như bố, mẹ, con, anh chị em ruột bị ung thư dạ dày sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Người có tiền căn nhiễm khuẩn HP có nguy cơ mắc bệnh gấp 3-17 lần bình thường. Một số yếu tố nguy cơ khác là nam giới, người thiếu máu ác tính, nhóm máu A...
"Bệnh nhân có thể điều trị hoàn toàn khỏi bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và tử vong nhanh nếu phát hiện giai đoạn muộn", bác sĩ phân tích. Do đó, cần tầm soát phát hiện sớm ung thư dạ dày, khi có triệu chứng bệnh thì phải đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Khoa Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng thực trạng đáng buồn là ở Việt Nam đa phần bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, gây khó khăn trong việc điều trị và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người bệnh, dẫn đến tỷ lệ sống sau 5 năm thấp. Theo các thống kê, hiện tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm của người Việt còn khiêm tốn, chỉ khoảng 10-20%, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc trên 50%.
Bác sĩ cảnh báo một số dấu hiệu bệnh thường gặp là chán ăn, đầy bụng khó tiêu, cảm giác buồn nôn, đau tức thượng vị, mệt mỏi, da xanh xao, sụt cân không giải thích được nguyên nhân, đi tiêu phân đen hoặc thiếu máu, nôn ói nhiều sau ăn, nuốt khó, sờ thấy khối u vùng bụng...
Bệnh có thể được chẩn đoán bằng nội soi dạ dày, sinh thiết tế bào làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm ngiúp đánh giá giai đoạn bệnh, xác định vị trí và kích thước u để có kế hoạch điều trị...
Trong đó, nội soi dạ dày chìa khóa phát hiện sớm ung thư, có thể phát hiện khối u khi còn rất nhỏ ở giai đoạn ung thư sớm, từ đó tăng khả năng điều trị. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết tế bào để phát hiện tổn thương, đánh giá bản chất và giai đoạn các tổn thương tiền ung thư và ung thư để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Với bệnh nhân ung thư dạ dày, phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu nhất, hóa trị hỗ trợ giúp kéo dài đời sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có thể hóa trị sau mổ trong các trường hợp u giai đoạn hai, ba. Một số trường hợp, hóa trị trước mổ giúp giảm kích thước khối u hỗ trợ cho phẫu thuật thuận tiện hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể phối hợp xạ trị, thuốc trúng đích, liệu pháp miễn dịch, điều trị giảm nhẹ. Sau điều trị, người bệnh cần tái khám theo lộ trình, nội soi dạ dày mỗi 6-12 tháng.
Phòng bệnh bằng chế độ ăn cân bằng, ăn nhiều rau xanh trái cây, vận động thể chất hợp lý, sống vui khỏe. Hạn chế thực phẩm bảo quản, xông khói, bia rượu, đặc biệt phải bỏ hút thuốc lá, điều trị và kiểm soát tốt nhiễm HP ở dạ dày. Người trên 45 tuổi hoặc nhóm có các yếu tố nguy cơ ung thư cao cần khám tầm soát sớm theo khuyến cáo.