Dấu hiệu thu hẹp sản xuất toàn cầu

Chỉ số PMI toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 4 đã giảm xuống dưới 50, tháng thứ hai liên tiếp trong năm nay, báo hiệu sự thu hẹp sản xuất và sức ép gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Dây chuyền sản xuất ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Kaiyi Auto, thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN tại Trung Quốc

Dây chuyền sản xuất ô tô xuất khẩu tại Công ty TNHH Kaiyi Auto, thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN tại Trung Quốc

Liên đoàn Logistics và mua sắm Trung Quốc (CFLP) ngày 6/5 cho biết, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất trong tháng 4 đã giảm xuống dưới 50, tháng thứ hai liên tiếp trong năm nay, báo hiệu sự thu hẹp sản xuất và sức ép gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu.

CFLP cho rằng thuế quan cao của Mỹ đối với các nền kinh tế khác đã phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu.

PMI sản xuất toàn cầu trong tháng 4 là 49,1, giảm so với tháng 3. Theo CFLP, sự suy yếu liên tục trong ngành sản xuất toàn cầu cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.

Xét theo khu vực, PMI sản xuất của châu Mỹ trong tháng 4 là 48,4, đánh dấu sự sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp trong năm nay.

PMI sản xuất châu Á đứng ở mức 50 trong tháng 4, giảm so với tháng 3. CFLP cho rằng tăng trưởng sản xuất ở châu Á đã chậm lại do tác động của việc tăng thuế của Mỹ.

Trong khi đó, PMI sản xuất của châu Phi trong tháng 4 là 49,5, giảm so với tháng trước đó. Chỉ số này đã quay trở lại vùng thu hẹp sau một đợt tăng trên 50 vào tháng 3.

Tại châu Âu, PMI sản xuất tăng nhẹ lên 48,4. Tuy nhiên, CFLP cho rằng sản xuất của châu Âu vẫn đang thu hẹp và sự phục hồi mong manh của ngành này phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ thuế quan của Mỹ và xung đột địa chính trị ở châu Âu.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính lớn gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

Trong triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 xuống 2,8%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng điều quan trọng hơn bao giờ hết là cam kết theo đuổi đường lối hành động đúng đắn trong bối cảnh sự không chắc chắn về sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang gia tăng.

Theo CFLP, các quốc gia trên thế giới nên kiên định tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại đa phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Yang Delong, nhà kinh tế trưởng tại First Seafront Fund có trụ sở tại Thâm Quyến, cho rằng thế giới đang phải đối mặt với sự không chắc chắn. Tất cả các quốc gia cần duy trì thương mại tự do, bảo vệ các quy tắc kinh doanh toàn cầu và bảo vệ các nguyên tắc phát triển kinh tế thế giới, đồng thời lưu ý rằng sự không chắc chắn, chủ yếu xuất phát từ việc tăng thuế của Mỹ, cũng đã dẫn đến sự sụt giảm tín nhiệm đối với các tài sản liên quan của Mỹ.

Gần đây, những lo ngại của các nhà đầu tư về việc nợ chính phủ Mỹ tăng vọt và việc tăng thuế thương mại đã dẫn đến việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo chuyên gia Yang Delong, mặc dù đồng đô la Mỹ từng được coi là tài sản trú ẩn an toàn, nhưng các nhà đầu tư hiện đang rút khỏi các tài sản bằng đô la Mỹ, khiến chỉ số đồng USD giảm mạnh.

Hải Yến (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-hieu-thu-hep-san-xuat-toan-cau/372566.html