Dấu hiệu xoắn ruột ở trẻ sơ sinh
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái sơ sinh 9 ngày tuổi bị xoắn ruột non. Rất may được phát hiện kịp thời nên đoạn ruột bị xoắn không bị hoại tử và cắt bỏ. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Xoắn ruột là cấp cứu ngoại khoa
Xoắn ruột là một dạng của tắc ruột, đây là hội chứng cấp cứu ngoại khoa khá thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách trong vòng 6 tiếng kể từ khi xuất hiện những triệu chứng xoắn ruột đầu tiên thì đoạn ruột bị xoắn bị viêm nhiễm, hoại tử, thậm chí còn gây biến chứng viêm phúc mạc khiến người bệnh có nguy cơ cao bị tử vong.
Xoắn ruột ở trẻ sơ sinh là 1 trong 5 loại xoắn ruột thường gặp đó là xoắn ruột sơ sinh, xoắn ruột non, xoắn manh tràng, xoắn đại tràng sigma, xoắn dạ dày.
Ruột xoay bất toàn là một bất thường bẩm sinh xảy ra trong quá trình xoay và cố định ruột trong giai đoạn phôi thai. Mặc dù đây là một dị tật tương đối ít gặp của ống tiêu hóa nhưng là nguyên nhân phổ biến gây xoắn ruột ở trẻ sơ sinh (chiếm 60 – 70%).
Đây là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp, cần được chẩn đoán và can thiệp sớm. Điều đó liên quan trực tiếp đến tiên lượng của bệnh nhi.
Tuy nhiên, vì bệnh cảnh lâm sàng của xoắn ruột không phải lúc nào cũng rõ ràng, biểu hiện thường mơ hồ nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa, rất dễ bỏ sót bệnh. Mặc dù với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là siêu âm đã góp phần nâng cao khả năng chẩn đoán so với trước đây.
Biểu hiện xoắn ruột ở trẻ
Triệu chứng lâm sàng xoắn ruột ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh thường biểu hiện lâm sàng rất nghèo nàn. Khi bị xoắn ruột, trẻ thường có những triệu chứng như:
Trẻ bỏ bú, da xanh tím tái.
Nôn ói ra dịch màu xanh hoặc vàng.
Trẻ khóc thét lên từng cơn, quấy khóc nhiều mà không dỗ được.
Bụng chướng dần lên.
Đau bụng, những cơn đau bụng kéo dài từ 15 - 20 phút.
Trẻ thường sốt cao trên 38 độ C.
Trên thực tế triệu chứng phổ biến là nôn chiếm 80 - 95%, thường nôn ra dịch xanh rêu hoặc vàng và khác với các nguyên nhân gây xoắn ruột khác ở trẻ lớn, phần lớn các trường hợp này thường không bị chướng bụng và ít khi có trường hợp tiêu phân có máu.
Làm gì khi trẻ bị xoắn ruột?
Xoắn ruột là một hiện tượng cần cấp cứu sớm, nếu không có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bởi vì xoắn ruột có thể làm nghẽn lưu thông máu đến ruột, dẫn đến hoại tử, nghiêm trọng hơn là viêm phúc mạc. Các biến chứng này sẽ đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Đa phần bệnh nhi sẽ được chỉ định mổ xoắn ruột. Trong quá trình mổ, bác sĩ sẽ tiến hành tháo xoắn, sau đó mạch máu sẽ được tái lập để cấp máu cho đoạn ruột bị xoắn.
Nếu đoạn ruột bị xoắn mất máu quá lâu, không thể hồi phục được, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ đoạn ruột bị xoắn, rồi nối 2 đầu của 2 đoạn ruột lại với nhau. Chính vì vậy, cha mẹ cần luôn theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể trẻ, đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời nếu bị xoắn ruột.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) vừa tiếp nhận một trường hợp bé gái sơ sinh 9 ngày tuổi bị xoắn ruột non. Khi đưa bé đến khám, mẹ bé cho biết 2 ngày nay bé bú ít và quấy khóc nhiều lần trong ngày.
Qua quá trình khám bệnh, ngoài việc bụng chướng nhẹ, lừ đừ thì điều đặc biệt là bé không có bất kỳ triệu chứng gợi ý bệnh lý nào khác như bụng nề đỏ hay đi tiêu phân nhầy máu.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bé bị xoắn ruột do ruột xoay bất toàn và bé được phẫu thuật cấp cứu sau 1 giờ nhập viện.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã thực hiện tháo xoắn các quai ruột, mở rộng chân mạc treo, cắt dây chằng Ladd.
"Nếu bỏ qua "thời gian vàng" thì đoạn ruột bị xoắn sẽ có nguy cơ bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ và thậm chí nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc là rất cao. May mắn bệnh nhi được chẩn đoán và xử trí kịp thời khi ruột chưa bị hoại tử nên không phải cắt nối ruột trong cuộc phẫu thuật" - TS. BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-xoan-ruot-o-tre-so-sinh-16924080523352452.htm