Đâu là giải pháp tối ưu để hạ nhiệt giá xăng dầu giữa lúc tăng cao kỷ lục?

Trong kỳ điều hành ngày 21/6, giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh, trong khi giải pháp tối ưu để hạ nhiệt giá xăng dầu vẫn còn đang bỏ ngỏ. Đặc biệt là khi tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế đối với mặt hàng này đang đặt ra dấu hỏi: Bao giờ có thể làm ngay?

Trong thông cáo báo chí của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vào ngày 21/6 cho biết về việc chính thức điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, mức giá mới của xăng Ron 95-V ở vùng 1 là 33.470 đồng/lít, ở vùng 2 là 33.130 đồng/lít. Còn giá xăng RON 95-III ở mức 32.870 đồng/lít (ở vùng 1) và 33.420 đồng/lít (vùng 2).

Tạm thời cần giảm các loại thuế

Theo Petrolimex, việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này thực hiện theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ (Nghị định 95) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 kinh doanh xăng dầu và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 95 của liên Bộ Công Thương - Tài chính.

Các chuyên gia cho rằng, trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân.

Các chuyên gia cho rằng, trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân.

Ghi nhận trong kỳ điều hành ngày 21/6 cho thấy, các doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt tăng giá trên cơ sở điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/6 là 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng).

Bên cạnh đó, giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng/lít, lên mức 30.010 đồng. Dầu hỏa là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazút là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.

Đây là đợt tăng giá thứ 7 liên tiếp của xăng dầu tính từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95-III đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng thêm 4.830 đồng.

Trước bối cảnh giá xăng dầu tăng cao kỷ lục như hiện tại, Ts. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT) cho rằng để hạ nhiệt giá xăng thì giải pháp tạm thời là cần giảm các loại thuế.

Theo ông Tùng, trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, Nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Loại thuế này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia có ý kiến cần giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu. Mục đích của loại thuế này là đánh vào các mặt hàng xa xỉ như ô tô, máy bay hoặc sản phẩm không được khuyến khích tiêu dùng do gây ra các ngoại ứng tiêu cực như thuốc lá, rượu bia…

Dưới góc nhìn của ông Bùi Duy Tùng, mặc dù xăng dầu gây ra ngoại ứng tiêu cực nhưng mặt hàng này đã bị đánh thuế bảo vệ môi trường, vì thế không nên thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bao giờ làm ngay?

Trong góp ý Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được nêu ra vào ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã bày tỏ sự đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Về lựa chọn sắc thuế để cắt giảm, theo VCCI, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường có ưu điểm là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay”, VCCI lưu ý.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, theo VCCI, dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7/2022.

VCCI cho rằng tờ trình về dự thảo nêu trên có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên, theo rà soát của VCCI, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng.

Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Vì vậy, phía VCCI đề nghị nên cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, để hạ nhiệt giá xăng dầu thì việc trợ giá xăng dầu cũng được nhiều ý kiến đưa ra như là một giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, theo Ts. Bùi Duy Tùng, giải pháp này có vẻ không tối ưu.

Liên hệ tình hình thực tế ở Malaysia, ông Tùng cho biết các nhà kinh tế học Malaysia đã cho thấy chính sách trợ giá xăng dầu tại quốc gia này đang tạo gánh nặng lên chính sách tài khóa.

“Thâm hụt tài khóa tại Malaysia sẽ trở nên không bền vững (có nguy cơ vỡ nợ) nếu chính phủ tăng các khoản nợ vay để trợ giá xăng dầu. Nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ Malaysia nên loại bỏ chính sách trợ giá để ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Tùng lưu ý.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dau-la-giai-phap-toi-uu-de-ha-nhiet-gia-xang-dau-giua-luc-tang-cao-ky-luc-1086222.html