Đâu là vấn đề có tính 'cốt tử' trong giáo dục Đại học?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Linh (công tác tại Vụ Giáo dục - Ban Tuyên Giáo Trung ương), phát triển về chất lượng giáo dục, thay đổi cách thức, mục tiêu giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học… là những vấn đề 'cốt tử' của giáo dục Đại học.
Tiểu ban giáo dục đại học, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa họp phiên thứ nhất với chủ đề “Định hướng báo cáo đánh giá tổng kết giáo dục đại học theo Nghị quyết số 29/NQ-TW” do Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì phiên họp.
Tại Phiên họp, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã trình bày dự thảo định hướng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đối với giáo dục đại học.
Trong đó, gồm định hướng đánh giá về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục đại học và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.
Nêu ý kiến liên quan đến việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết 29, TS Nguyễn Ngọc Linh, Vụ Giáo dục (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, cần hiểu cặn kẽ bản chất Nghị quyết 29, trong đó có một số yếu tố mang tính chất “cốt tử” như: Phát triển về chất lượng giáo dục;
Thay đổi cách thức, mục tiêu giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học; đổi mới quản lý giáo dục;
Hạn chế tiêu cực, phát huy tích cực cơ chế thị trường tác động tới giáo dục Việt Nam. Khi tổng kết Nghị quyết 29 cần căn cứ vào bản chất của nghị quyết để xây dựng báo cáo.
Trong khi đó, GS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng trong báo cáo cần mạnh dạn nhận định khó khăn về tự chủ đại học.
Đồng thời, bổ sung một số giải pháp như tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tăng % ngân sách cho giáo dục đại học; đẩy mạnh tinh thần trách nhiệm, đổi mới quản trị cơ sở giáo dục đại học.
Từ các giải pháp đưa ra, ông Nguyễn Đông Phong đặt vấn đề “nên chăng cần có một nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 29”.
Đề xuất nên có nghị quyết riêng về giáo dục đại học, Giáo sư Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên nhìn nhận, vai trò dẫn dắt của giáo dục đại học với sự phát triển của địa phương, vùng miền chưa được làm rõ; có sự bất bình đẳng trong giáo dục đại học giữa các vùng miền.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp đối với giáo dục đại học, Giáo sư Phạm Hồng Quang cho rằng, cần tạo ra hệ thống các trường đại học là trung tâm đổi mới sáng tạo; nâng tầm giảng viên phải là nội dung chiến lược trong thời gian tới, trong đó trường đại học, giảng viên ngoài đào tạo, nghiên cứu khoa học phải tham gia vào tư vấn chính sách.
Nhất trí với dự thảo định hướng báo cáo đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đối với giáo dục đại học, TS. Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa nêu ý kiến: Điểm nghẽn hiện nay là quy hoạch cơ sở giáo dục đại học, dẫn tới tình trạng mất cân đối giữa các vùng miền khi cơ sở giáo dục đại học tập trung ở thành phố lớn.
Do đó, Chính phủ cần có chương trình hành động để đảm bảo nguồn nhân lực cho vùng khó khăn, miền núi.
Xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội vào giáo dục đại học, dù đã có nhiều kết quả, song theo ông Hồ Xuân Năng vẫn chưa nhiều và nếu có chính sách tốt nhiều trường ngoài công lập sẵn sàng đầu tư để chia sẻ với hệ thống đại học công lập.
Thảo luận từ góc độ đầu tư phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn, phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm công nghệ cao, sản xuất thử nghiệm - Bài học thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW tại Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ 7 bài học kinh nghiệm.
Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng chiến lược rõ ràng về khoa học công nghệ, bám sát chiến lược phát triển của đất nước, từ chiến lược lan tỏa thành công việc cụ thể; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo cho người thầy;
Xây dựng bản đồ công nghệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng kết nối mạng lưới giữa các cơ sở đào tạo, kết nối doanh nghiệp, kết nối với các cơ sở đào tạo tương tự ở nước ngoài…
Một số kiến nghị được PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng đề cập như: Điều chỉnh văn bản pháp quy, tiếp tục đầu tư cho khoa học công nghệ, tiếp tục chú trọng con người, khơi thông dòng chảy tài chính phát triển khoa học cơ bản, khoa học mũi nhọn...