Đau lưng, thoái hóa đốt sống ở tuổi đôi mươi
Lối sống ít vận động, gắn liền với bàn làm việc hơn 10 tiếng/ngày khiến ngày càng nhiều người trẻ gặp vấn đề cơ, xương, khớp.
Nguyễn Tân (27 tuổi), nhân viên thiết kế đồ họa ở Hà Nội, từng tự tin với khả năng làm việc cường độ cao của mình. Anh đã quen ngồi trước màn hình máy tính 8-10 tiếng/ngày.
Cách đây 2 năm, anh cảm thấy mỏi cổ, nhưng chủ quan không đi khám. Không lâu sau, cơn đau lan xuống vai và làm tê mỏi hai cánh tay của anh, gây cản trở đáng kể đến cuộc sống sinh hoạt.
“Tôi không ngờ mình lại mắc chứng thoái hóa đốt sống cổ sớm như vậy. Nguyên nhân chủ yếu là do tư thế làm việc đã gây áp lực cho cổ nhiều quá”, anh kể lại.
Sau khi được bác sĩ đông y hướng dẫn, Nguyễn Tân thay đổi lối sinh hoạt và chịu khó vận động hơn.
Thay vì ngồi lì trước màn hình máy tính suốt thời gian dài, cứ mỗi 60 phút, anh đứng lên vận động nhẹ để cơ thể và mắt nghỉ ngơi. Anh cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đạp xe thường xuyên.
Lối sống ít vận động, ngồi làm việc với máy tính quá lâu khiến ngày càng nhiều người trẻ gặp vấn đề cơ, xương, khớp. Theo các chuyên gia, lượng bệnh nhân dưới 30 tuổi tới khám, điều trị các vấn đề xương khớp có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
Sai lầm khi quá ưu tiên công việc
Những ngày cuối năm 2020, Hoàng Giang (29 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải nhập viện vì cơn đau lưng kéo dài. Cô được chẩn đoán mắc chứng thoái hóa đĩa đệm và đốt sống khi còn quá trẻ.
“Tôi dành trọn kỳ nghỉ Tết năm ấy cho việc điều trị, xoa bóp, bấm huyệt lưng. Tới nay, sức khỏe của tôi có cải thiện đôi chút, nhưng không thể hồi phục hoàn toàn nữa”, cô kể.
Chia sẻ với Zing, Giang cho biết cô gặp vấn đề xương khớp từ năm 2019, khi sự nghiệp bắt đầu khởi sắc. Cô được thăng chức, quản lý một nhóm riêng, có mức lương đáng ngưỡng mộ, song phải đánh đổi bằng sức khỏe.
“Là người làm truyền thông, tôi dành 16-17 tiếng/ngày ngồi trước máy tính, bị quá tải công việc và không có thời gian vận động. Kể từ đó, cơn đau cổ, vai và lưng xuất hiện ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn”.
Có những ngày, cơn đau lan tới đầu, xuống cả chân tay, buộc Giang phải dùng thuốc giảm đau. 2 năm ấy, cô thường phải ngủ trong tư thế ngồi, đeo đai cố định cột sống, đi châm cứu để giảm đau.
Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe xương khớp xuống dốc vẫn tác động tiêu cực tới cuộc sống của cô.
“Cơ thể đau nhức, uống thuốc dài ngày khiến tôi bị stress, dễ cáu gắt, lên mụn, mất kinh nguyệt, đi lại khó khăn hơn. Riêng công việc, có lúc tôi thấy mình ‘giậm chân tại chỗ’, làm việc kém hiệu quả hơn trước”, cô nói.
Năm ngoái, Giang quyết định thuê một người phụ giúp việc nhà để bớt áp lực, có thời gian tự chăm sóc sức khỏe của mình. Ngoài ra, những tháng giãn cách xã hội cũng giúp cô ổn định tinh thần, dành nhiều thời gian cho bản thân hơn.
Giang tập thể dục, yoga, bơi một tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể cải thiện và giảm bớt cơn đau, không thể khiến cột sống khỏe mạnh như trước.
“Ở mỗi độ tuổi, tôi có những ưu tiên riêng. 2-3 năm trước, tôi đặt công việc lên hàng đầu, muốn tranh thủ khi còn trẻ để có thành tựu riêng và chấp nhận sức khỏe suy giảm. Giờ có bệnh rồi thì lại khó chữa dứt điểm, tôi chỉ đành kiên trì cải thiện dần”, cô nói thêm.
Bệnh nhân "trẻ hóa"
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Ngô Trọng Tục, Trưởng khoa Nam học và Cột sống tại BV Châm cứu Trung ương (Hà Nội), cho biết vài năm gần đây, lượng bệnh nhân trẻ gặp vấn đề cơ, xương, khớp ngày càng tăng.
Đa số gặp vấn đề đau mỏi cổ vai gáy, đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống sớm.
Theo bác sĩ, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc người trẻ sớm mắc các chứng bệnh về xương khớp: ít vận động, ăn uống thiếu khoa học, và yếu tố di truyền.
“Ngày nay, người trẻ bận rộn với công việc văn phòng, phải ngồi một chỗ quá lâu và ít vận động, tập luyện thể thao khiến các khớp, gân cơ dây chằng kém dẻo dai, dễ dẫn đến tình trạng thoái hóa sớm.
Mặt khác, thói quen ăn uống không khoa học, chuộng đồ ăn nhanh cũng làm tăng nhanh quá trình lão hóa xương, khớp, hoặc dẫn đến tình trạng thừa cân, tăng gánh nặng lên cột sống và các khớp”.
Để cải thiện sức khỏe xương khớp, bác sĩ Tục khuyên người trẻ nên:
Tập thể dục thường xuyên 30 phút/ngày, lựa chọn các môn thể thao cần sự phối hợp vận động các khớp như bơi lội, aerobic, cầu lông, chạy bộ… để cải thiện sức khỏe, duy trì sự dẻo dai.
Nếu phải làm việc văn phòng, ngồi máy tính nhiều, không nên duy trì một tư thế quá lâu. Sau 45 phút, người trẻ có thể đứng dậy giãn cơ, đi lại thay đổi tư thế để được thư giãn, lưu thông khí huyết.
Nên có chế độ dinh dưỡng phong phú ăn nhiều rau xanh, hoa quả và các loại hải sản để bổ sung canxi và vi khoáng chất tự nhiên giúp xương chắc khỏe.
Nên có lối sống lành mạnh, không nên thức khuya, dùng rượu bia và các chất kích thích.
Bận đến mấy cũng phải vận động
Ngô Thu Hà (27 tuổi), chuyên viên marketing cấp cao, bàng hoàng khi nghe bác sĩ chẩn đoán cô bị phình đĩa đệm - căn bệnh mà người trẻ hiếm khi gặp phải. Nguyên nhân chính là do cô ngồi sai tư thế và hay vắt chéo chân.
Thu Hà cảm thấy may mắn khi đã phát hiện bệnh sớm. Cô chủ động đi khám chỉ sau khoảng 2-3 ngày nhận thấy cơn đau lưng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Ngoài uống thuốc kê đơn, cô kết hợp bơi lội với đu xà để kéo giãn phần đĩa đệm đang bị đè nén, đồng thời đeo nẹp cố định lưng theo lời khuyên của bác sĩ. Sau khoảng 4 tháng duy trì, cơn đau chấm dứt, thường chỉ tái phát khi trở trời.
Tương tự, Trần Thùy Dương (25 tuổi, Hà Nội) gắn bó với bộ môn pilates hơn 1 năm nay do bị gai đốt sống và võng lưng.
Cơn đau lưng của Thùy Dương bắt đầu từ năm 19 tuổi, nhưng cô không chữa trị, chỉ cố gắng điều chỉnh lịch sinh hoạt khoa học hơn.
Đến năm 23 tuổi, bệnh trở nặng do cô ngồi làm việc với máy tính tới 10 tiếng/ngày. Việc Thùy Dương tự giãn cơ không đúng cách cũng ảnh hưởng thêm đến cơn đau.
Thùy Dương nỗ lực tìm cách cải thiện tình hình, bao gồm tìm đến bác sĩ chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống, thử sức với gym và yoga.
Cho đến khi tập môn pilates, cô mới thấy cơn đau lưng thuyên giảm.
“Đến khi hiểu được cơ thể và nhu cầu của mình, tôi mới xác định được phương pháp trị liệu phù hợp. Pilates tập trung tăng cường vùng cơ cốt lõi của cơ thể, bao gồm lưng dưới, hông và bụng, nên rất phù hợp với tôi”, cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thùy Dương cũng học cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống để giảm áp lực cho bản thân.
Cô thừa nhận luôn nghĩ đến công việc, trừ khoảng thời gian ngắn ngủi đi tập, nấu nướng và chơi với thú cưng.
“Giờ đây, dù có bận đến mấy, tôi cũng dành thời gian tập luyện. Nếu không thể kiểm soát được khối lượng công việc, tôi phải cố gắng kiểm soát năng lượng của mình để tránh bị kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần”, cô chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-lung-thoai-hoa-dot-song-o-tuoi-doi-muoi-post1291347.html