Đau mắt đỏ có thể biến chứng nguy hiểm, mất thị lực vĩnh viễn
Thời gian gần đây, bệnh đau mắt đó có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh này có thể biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất thị lực. Do đó người bệnh cần được điều trị kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng, chống để không lây lan sang người khác.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, gần 1 tháng nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, có ngày có tới 3.000 bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt. Trong đó, số bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ chiếm 10%. Trung bình mỗi tuần có khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám. Riêng tuần vừa qua con số lên tới hơn 800 ca. Nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ với biến chứng mờ mắt kéo dài thậm chí cả tháng.
Đáng nói, số ca mắc đau mắt đỏ tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các triệu chứng thông thường của viêm kết mạc cấp do Adenovirus, dịch đau mắt đỏ năm nay kéo dài hơn với diễn biến nặng, nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc và viêm giác mạc, gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Theo nhận định của các bác sĩ, mặc dù đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi trong vòng 1-2 tuần nhưng cũng có thể gây biến chứng viêm giác mạc, giảm 20% thị lực. Nếu bệnh nhân tự điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc và có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.
TS.BS Hoàng Cương, Phó Ban Thông tin Tuyên truyền, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, hàng năm, cứ vào dịp hè nắng nóng ở những nơi đông dân cư lại xuất hiện những đợt dịch viêm kết mạc cấp do Adenovirus, thường gọi là dịch đau mắt đỏ. Bệnh có thể lây lan thành dịch.
Đỏ mắt là dấu hiệu của nhiều bệnh lý như viêm kết mạc do virus, viêm kết mạc do vi khuẩn, viêm loét giác mạc… bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được. Nguy hiểm hơn, khi chẩn đoán sai, sử dụng thuốc sai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bệnh đau mắt đỏ có lây không?
B.S Hoàng Cương cho hay, bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày, người bệnh sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính khiến cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng mới ngủ dậy. Một số trường hợp viêm nặng có thể có là giả mạc bao bọc mặt trong mi mắt làm mi sưng nề nhiều, đau nhức, khó mở mắt.
Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán là đau mắt đỏ do Adenovirus, cần lưu ý đặc biệt việc ngăn ngừa bệnh lây lan. Bệnh nhân đau mắt đỏ do Adenovirus có thể lây qua 2 nguồn chính là tiếp xúc không khí và qua dịch tiết của người bệnh.
Tuy nhiên, đau mắt đỏ do Adenovirus rất ít khả năng lây qua không khí mà bệnh dễ lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, kể cả khi người bệnh đã khỏi trong vòng một tuần vẫn có khả năng lây cho người khác.
Cụ thể, khi người bệnh đưa tay dụi mắt, tiết tố chứa yếu tố gây bệnh sẽ dính vào tay và lây cho người khác qua các vật dụng dùng chung như, tay nắm cửa, khăn và chậu rửa mặt. Virus gây viêm kết mạc cấp có trong dịch tiết đường hô hấp, khi người bệnh nói, ho hoặc hắt hơi, nước bọt có chứa virus sẽ bắn ra ngoài và nhiễm vào mắt người khác, đây là con đường lây lan chính trong cộng đồng.
Cũng theo BS. Cương, vì đau mắt đỏ là bệnh mãn tính nên bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà bằng cách nhỏ nước muối, vệ sinh cá nhân để không lây sang người khác hoặc người khác không lây sang mình, bệnh tự khỏi từ 7-10 ngày. Với những ca nặng, sau ngày thứ 10 thì tỷ lệ biến chứng từ 10-12%, gây viêm giác mạc, viêm giác mạc chấm nông, viêm giác mạc biểu mô… hay có những trường hợp bội nhiễm, gây viêm giác mạc nhu mô… Những biến chứng nặng thường hiếm gặp, nếu nặng thì gây giảm thị lực hoặc có thể đến mức gần mù.
“Hiện nay chưa có vaccine đặc hiệu để phòng bệnh. Cách phòng, chống bệnh tốt nhất là giữ vệ sinh thật tốt để tránh lây bệnh sang người khác. Cùng với đó, người bệnh hạn chế đi đến nơi đông người khi không cần thiết, không đi bơi, khi tay tiếp xúc với dịch tiết từ mắt bị bệnh cần phải rửa tay xà phòng, người bệnh cần đeo kính, đeo khẩu trang nhất là khi đến nơi công cộng để tránh lây nhiễm ra cộng đồng”, bác sĩ Cương khuyến cáo.
Bác sĩ Hoàng Cương cũng cho biết thêm, ở giai đoạn không biến chứng hoặc bệnh kéo dài thì khá nguy hiểm, cần điều trị sớm và kịp thời để bệnh không nặng lên hoặc có biến chứng thì phải điều trị sớm. Khi bị bệnh, bệnh nhân nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng bệnh, vì có nhiều bệnh mắt nguy hiểm cũng có triệu chứng tương tự như viêm kết mạc cấp do virus như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào,…Bệnh nhân không nên tự mua thuốc tra vì có thể gây biến chứng nguy hiểm. Trong khoảng thời gian 7-10 ngày mà bệnh không khỏi hoặc gây khó chịu, bị mờ, chảy nước mắt, cộm mắt, sợ sáng thì nên đi khám ở cơ sở chuyên khoa mắt.
Những lưu ý khi điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em
BS. Hoàng Cương cho hay, nếu như các năm trước, khi mới bước vào vào năm học có rất ít ca đau mắt đỏ ở lứa tuổi học sinh phải đến khám, thì năm nay có khá nhiều trẻ em đau mắt đỏ được bố, mẹ đưa đến khám. Thông thường các cháu đau một bên mắt, sau đó lây sang cả 2 mắt, mắt sưng húp, gây khó khăn cho việc sinh hoạt và học tập khiến các gia đình rất lo lắng.
Hơn nữa, trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn, khi đưa tay lên dụi mắt sẽ làm cho các vi sinh bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Trẻ nhỏ lại không hợp tác nên rất khó điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa mắt cho rằng, điều trị viêm kết mạc ở trẻ em phức tạp hơn, kéo dài hơn người lớn. Các biến chứng có thể gặp là trầy xước giác mạc, viêm giác mạc gây sẹo và loạn thị. Do đó, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám khi thấy mắt sưng, đỏ mắt, ra gèn nhiều để kịp thời phát hiện và điều trị, tránh biến chứng sau này.
Bác sĩ cũng đưa ra một số khuyến cáo phòng tránh lây nhiễm trong mùa dịch đau mắt đỏ: Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày; Không dùng tay dụi mắt.
Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt; Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt; Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…; Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.