Đau mắt đỏ: Không cẩn trọng sẽ gây giảm thị lực
Tình hình dịch viêm kết mạc - đau mắt đỏ diễn biến phức tạp trong cộng đồng. Số ca bệnh đến khám tại Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Trung ương Huế tăng đột biến. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến khám các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, đặc biệt đối với chủng đau mắt đỏ gây giảm thị lực.
Trẻ nhỏ, người lớn đều bị
Chỉ trong vòng một buổi sáng tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, phòng khám bệnh về mắt đón nhận hàng chục trường hợp. Trong đó, nhiều nhất là trẻ em.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Hoàng đưa con 3,5 tháng tuổi là bé Nguyễn Phạm A. H. (phường An Tây, TP. Huế) đến khám. Anh kể: “Phát hiện cháu bị đỏ mắt, chảy ghèn từ chiều hôm qua, hôm nay tôi đưa tới khám ngay. Thấy tivi, báo chí đưa tin nên mình phải giữ “cửa sổ tâm hồn” cả đời cho con, không chủ quan được”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Nhung, một người buôn bán nhỏ đưa con trai Nguyễn Th. học sinh lớp 2 (phường Trường An, TP. Huế) đến kiểm tra, nhận thuốc vì cháu bị đỏ mắt. Chị Nhung bảo: “Lớp cháu có một số bạn đỏ mắt nên cô giáo cho nghỉ học. Sáng ni cháu có triệu chứng, mắt bị hồng và sưng nhẹ nên tôi xin cô đưa đi khám. Trước khi đến bệnh viện, tôi chỉ mua nước muối nhỏ mắt cho cháu”.
Các trường hợp đến khám tại BVTW Huế đều được kiểm tra kết giác mạc bằng máy sinh hiển vi nhằm xác định độ tổn thương. Trong buổi sáng phóng viên đến, hầu hết các ca bị viêm kết mạc bán vùng trước.
Chị Trần Thị Kim Oanh, một người làm nghề du lịch phải thu xếp công việc từ Thủy Thanh, TX. Hương Thủy đưa cả con lẫn cháu lên BV Mắt tỉnh khám. “Các BS dặn tách riêng cháu với em nhỏ, sử dụng đồ sinh hoạt cá nhân riêng, tránh lây lan. Khả năng cháu lây bệnh từ lớp học thêm. Còn cháu trai đi cùng thì lây từ bạn cùng lớp”, chị nói.
Trong số những người đi khám có cả người trung niên, cao niên. Anh Hồ Quang Hải, ở TP. Huế lây từ con nhỏ nên đi khám và uống thuốc. Anh than: “Mắt mình bị ghèn, mờ, có sốt nhẹ. Bác sĩ kê đơn uống và nhỏ mắt. Dù là bệnh nhỏ nhưng ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của cả gia đình. Người lớn mình còn chịu đựng được chứ tụi nhỏ phải kiểm soát, theo dõi thường xuyên. Thị lực ảnh hưởng là không làm được gì cả”.
Theo thống kê của BV Mắt Huế, chỉ trong tháng 9, bệnh viện đã khám và điều trị hơn 500 trường hợp viêm kết mạc - đau mắt đỏ, trong đó, trẻ em chiếm khoảng 50%. Trước đó, tháng 7 và tháng 8 tiếp nhận điều trị hơn 1.300 ca. Tại BVTW Huế, số lượng bệnh này tăng đột biến, có ngày tiếp nhận 60-80 bệnh nhân, nhiều trường hợp cả gia đình cùng đỏ mắt.
Nên đến khám tại các cơ sở y tế
Hiện nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang xuất hiện dịch viêm kết mạc do Adenovirus gây ra. Thời tiết độ ẩm cao, nhất là giao mùa hè – thu khiến bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh. Đặc biệt, mùa tựu trường cũng là thời điểm bệnh bùng phát, tăng cao. Theo BSCKI Dương Nguyễn Hoàng Sơn – Phó Giám đốc BV Mắt tỉnh, trên cơ sở các ca bệnh đến khám, điều trị, đơn vị đang tiếp tục theo dõi để có thể đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.
Bệnh nhân đến khám có các dấu hiệu điển hình như: đỏ mắt, chảy ghèn, chảy nước mắt, có người bị sốt nhẹ. Virus gây bệnh cực kỳ dễ lây trong cộng đồng nên các trường học, nhà trẻ mẫu giáo, nguy cơ lây lan nhanh. Gia đình có người đau mắt đỏ nên hạn chế tiếp xúc, tránh phát tán mầm bệnh. Trường hợp bệnh nhân đã đỏ mắt thì tránh tối đa đưa tay tiếp xúc với mắt. Tại trường học, nếu học sinh có dấu hiệu ngứa mắt, đỏ mắt thì thầy cô nên báo phụ huynh cho các cháu ở nhà cách ly, điều trị.
BSCKII. Phạm Như Vĩnh Tuyên - Phó Giám đốc Trung tâm Mắt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVTW Huế thông tin: “Viêm kết mạc thường gây ra tình trạng giả mạc - màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt gây sưng nề lâu dài. Khi có giả mạc, sức đề kháng của mắt đã yếu, nghĩa là bệnh viêm kết mạc đang nặng thêm. Trường hợp này bác sĩ sẽ thực hiện bóc màng lưới để bệnh nhân hồi phục”.
“Bệnh viêm kết mạc có thể để lại di chứng lâu dài trên tròng đen, gây ra hiện tượng viêm giác mạc chấm nông. Đây là phản ứng viêm ở giác mạc do nhiều nguyên nhân đặc trưng, bởi tổn thương biểu mô dạng chấm mảnh rải rác. Các trường hợp này gây giảm thị lực, cần theo dõi sát sao tránh những di chứng sau này”, BS. Tuyên khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, khi bị bệnh không nên lo lắng, hoang mang. Tại các tỉnh, thành lớn, dịch đã lan rộng, trường hợp đỏ mắt thì đi khám và tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt là các loại thuốc nhỏ chứa Corticoide. Nếu nhỏ thường xuyên, kéo dài gây tăng nhãn áp (glaucoma, cườm nước) làm tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực, khó hồi phục.
Tại BVTW Huế, nhiều bệnh nhân đã điều trị lành nhưng vẫn có trường hợp để lại di chứng trên giác mạc – viêm giác mạc chấm nông, khiến mắt nhìn mờ, ra ngoài nắng bị lóa mắt. Họ đến tái khám để được uống thuốc hỗ trợ. Ngoài ra, các BS khuyên để mắt nghỉ ngơi giúp nhanh phục hồi và không để lại di chứng đáng tiếc về sau.
Chiều 19/9, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai các hoạt động kiểm soát, phòng, chống và thu dung, điều trị bệnh đau mắt đỏ. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 16.000 ca mắc. BV Mắt cũng đã trình bày phác đồ điều trị viêm kết mạc thành dịch để các đơn vị thống nhất triển khai. Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế chuẩn bị cơ số thuốc điều trị và tăng cường truyền thông trong khối trường học, khu công nghiệp, nơi công cộng.