Dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội

Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, mang lại những mùa xuân độc lập, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc.

Với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng. Bác Hồ về nước cùng với Đảng trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, phát triển và trưởng thành, lập nên bao chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Về nước, Người chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng. Bởi nơi đây có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, quần chúng nhân dân đã được giác ngộ cách mạng, kiên cường tranh đấu, trung thành với Ðảng, với cách mạng, sắt son một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào thắng lợi của cách mạng. Đây là những yếu tố quan trọng, cần thiết để đưa cách mạng đến thành công. Tại Pác Bó, cùng với xây dựng lực lượng chính trị, Người đặc biệt coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng. Với tầm nhìn chiến lược, Người nhận thấy, trong điều kiện bị thực dân Pháp thống trị, nhân dân bị áp bức, bóc lột nặng nề, nên việc xây dựng một đội quân vũ trang cách mạng có vai trò quyết định đối với tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) xác định chủ trương: Trên cơ sở xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng, từng bước tổ chức ra các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu rộng rãi để chuẩn bị tiến lên thành lập quân đội công-nông. Sau cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, một bộ phận LLVT được chuyển thành những đội du kích, hoạt động ở căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai. Những đội du kích ở khu căn cứ này không ngừng lớn mạnh và thống nhất lại với nhau thành Trung đội Cứu quốc quân I. Trước sự vây quét của địch, Trung đội Cứu quốc quân I đã phát động chiến tranh du kích rộng khắp, sau đó phân tán thành nhiều bộ phận để chấn chỉnh, xây dựng lực lượng, gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng tại các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Trong quá trình đó, Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập. Tại các căn cứ địa, công cuộc chuẩn bị cho khởi nghĩa diễn ra rất khẩn trương. Ở căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai, Cứu quốc quân hoạt động mạnh, tuyên truyền vũ trang, gây dựng cơ sở chính trị, mở rộng căn cứ; Trung đội Cứu quốc quân III ra đời. Ở căn cứ địa Cao Bằng, nhiều đội tự vệ vũ trang, đội du kích được thành lập. Năm 1943, Ban Việt Minh liên tỉnh Cao- Bắc-Lạng lập ra 19 ban “xung phong Nam tiến” đến liên lạc với căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai và phát triển lực lượng xuống các tỉnh miền xuôi. Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa” và Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Từ thực tiễn cách mạng, Người nhận thấy: Trong điều kiện bây giờ, nếu phát động khởi nghĩa thì sẽ gặp nhiều khó khăn, tổn thất, vì ta chưa đủ lực, thời cơ chưa chín muồi. Trước mắt, cần phải sớm tổ chức một đội quân chủ lực và có một hình thức đấu tranh thích hợp, linh hoạt hơn mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Đó là hình thức vũ trang tuyên truyền. Đây chính là tư duy sáng tạo đặc biệt của Người.

Tháng 12-1944, tại căn cứ địa Cao Bằng, Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, với 3 tiểu đội gồm 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng. Ngày 15-5-1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Việt Nam Giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành QĐND Việt Nam.

Có thể nói, sự kiện Bác Hồ về nước năm 1941 là dấu mốc trọng đại, gắn liền với sự ra đời, trưởng thành và phát triển của QĐND Việt Nam. Bác Hồ về nước cùng với Trung ương Đảng trực tiếp sáng lập, lãnh đạo việc xây dựng LLVT cách mạng, ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; đồng thời, trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta một cách toàn diện. Kể từ đây, Quân đội ta được Người chăm lo xây dựng, giáo dục, rèn luyện toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo quan điểm, nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của Chủ nghĩa Mác-Lênin, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, những vấn đề cơ bản trong xây dựng quân đội cách mạng kiểu mới luôn được Người quan tâm, như: Giáo dục, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc cho quân đội; giáo dục, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho quân đội; lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, truyền thống anh hùng của dân tộc, của Đảng cho quân đội; tiến hành công tác chính trị, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ chính ủy, chính trị viên; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Người đặc biệt quan tâm xây dựng quân đội về chính trị, coi đó là “gốc”, là cơ sở nền tảng để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Nhờ vậy, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong các cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; luôn xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là quân đội cách mạng kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, chiến đấu, hy sinh; xứng đáng với danh hiệu cao quý: Bộ đội Cụ Hồ.

Đại tá, PGS, TS VÕ VĂN HẢI

Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dau-moc-dac-biet-quan-trong-doi-voi-su-nghiep-xay-dung-quan-doi-650242