'Dấu mốc' mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Năm 2021 được xem là một 'dấu mốc' quan trọng khi định hình cục diện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bởi đây là một tâm điểm hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao quốc tế.
Khởi đầu năm 2021 cũng là thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức và triển khai hàng loạt chính sách đối ngoại. Đáng chú ý nhất, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại, thể hiện rõ nét khi những quan chức hàng đầu của siêu cường quốc này công du tới khu vực để phát đi những thông điệp mạnh mẽ về việc sẽ tăng cường hiện diện.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mang theo tham vọng rất lớn của Mỹ. Để thúc đẩy chiến lược này, trong năm qua, Mỹ đã củng cố sức mạnh của Nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia); hình thành Hiệp ước quân sự AUKUS (gồm 3 nước Australia, Anh, Mỹ) vào tháng 9-2021; tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác trong thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược; công bố phác thảo chiến lược 5 điểm với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh, đây là khu vực định hình tương lai của thế giới trong thế kỷ 21.
Theo giới chuyên gia chính trị, năm 2021 ghi dấu “bước ngoặt” của nhóm khi các nước đạt được sự thống nhất cao hơn cùng những động thái cho thấy tinh thần hợp tác mạnh mẽ hơn, thể hiện rõ nét trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm được tổ chức vào tháng 3, hơn 1 tháng sau khi ông Biden nhậm chức. Chính quyền Tổng thống Biden đã dành nhiều sự ưu tiên về tăng cường liên kết của Bộ tứ với các nước đồng minh châu Âu và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như các nước đồng minh, đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Năm qua, Mỹ và các quốc gia đã thể hiện rõ ý chí theo đuổi một tổng thể chính sách về đối ngoại, chiến lược an ninh tại khu vực.
Một “dấu mốc” lớn khác là sự hình thành của cấu trúc an ninh mới AUKUS với nhiều tiềm năng và thể hiện sâu sắc ý chí thúc đẩy mạnh can dự của Mỹ tại khu vực. Với việc thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực của thời đại mới như tàu ngầm hạt nhân, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo,... AUKUS có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn trước các đối thủ tại khu vực, điều mà phương Tây đang “đuối” dần trong những năm qua. Các thông điệp mà chính quyền Mỹ đưa ra về AUKUS đều nhấn mạnh rằng, cấu trúc an ninh này sẽ góp phần duy trì cân bằng chiến lược và quân sự khu vực, đồng thời tạo sự ổn định, khả năng răn đe, đảm bảo các nguyên tắc chung mà các quốc gia cùng chia sẻ, nổi bật như tự do hàng hải, vận tải biển an toàn và mở.
Cũng theo giới chuyên gia, chính quyền mới của Mỹ đã cho thấy nỗ lực mạnh mẽ hơn để xoay trục về châu Á, song hành với việc gắn kết các nước đồng minh và đối tác trong nỗ lực chung tại khu vực. Điều này vốn đã thiếu sót trong nhiều năm trước. Ngoài Mỹ, các nước châu Âu trong năm qua cũng thể hiện ý chí rất lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điển hình như Liên minh châu Âu (EU) công bố chiến lược với khu vực; nhiều nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Pháp,... cũng cập nhật chiến lược riêng.
Năm 2021 được nhìn nhận là một “dấu mốc”quan trong trong tiến trình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành khu vực chiến lược của thế giới khi phương Tây dành nhiều ưu tiên chú trọng bởi động lực chính xuất phát từ vai trò quan trọng về địa kinh tế và địa chính trị. Cùng với đó, hàng loạt mối đe dọa xuất hiện thời gian qua như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, các hiểm họa an ninh tiềm ẩn, cạnh tranh quyền lực... cũng khiến vai trò của khu vực này cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Ở góc độ tích cực, giới chuyên gia cho rằng, các cường quốc thế giới đang từng bước củng cố hợp tác đa phương để tạo ra sức mạnh tập thể lớn, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cũng như mở ra những cơ hội để khu vực củng cố vững chắc hơn hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-moc-moi-o-an-do-duong-thai-binh-duong-post446642.html