Đậu mùa khỉ xuất hiện từ Ấn Độ đến Nhật Bản, châu Á cảnh giác
Các quốc gia trên khắp châu Á đang cảnh giác cao độ với bệnh đậu mùa khỉ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Những ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã được báo cáo ở khắp các quốc gia châu Á, từ Ấn Độ đến Nhật Bản, theo CNN. Trong tình hình này, nhiều biện pháp nâng cao cảnh giác đã được các nước đưa ra như khám sàng lọc du khách và đội ngũ y bác sĩ.
Các nhà chức trách Nhật Bản báo cáo ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này vào hôm 25/7 - là một người ở Tokyo khoảng 30 tuổi, từ châu Âu về vào giữa tháng 7. Các quan chức y tế nói rằng người đàn ông này sau khi về đã trở nên mệt mỏi, sau đó là sốt, phát ban và đau đầu.
Người này hiện đang được điều trị tại bệnh viện và "trong tình trạng ổn định".
Theo WHO, các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, nhức đầu, sưng hạch bạch huyết, đau lưng, đau cơ và thiếu năng lượng. Sau đó, bệnh tiến triển thành phát ban và các tổn thương có thể phồng rộp và đóng vảy trên khắp cơ thể - thường kéo dài từ hai đến bốn tuần.
Nhật Bản đã kêu gọi các du khách thận trọng với đậu mùa khỉ. Các quan chức cho biết thêm các nghiên cứu lâm sàng về cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở nước này đang được thực hiện, trong đó có tiêm vaccine cho các nhân viên y tế tuyến đầu ở Tokyo.
Theo một số chuyên gia, số ca bệnh ở châu Á vẫn ở mức thấp nhưng khu vực có thể chứng kiến "khả năng tăng" trong những tuần tới.
Khoo Yoong Khean, một quan chức khoa học từ trung tâm Duke-NUS, Singapore cho biết: "Giống như COVID-19, các hạn chế về biên giới và đi lại không thực sự ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, mà chỉ trì hoãn nó. Bệnh sẽ (tiếp tục) lây lan trên toàn cầu".
"Các ca bệnh ở Mỹ và châu Âu đang gia tăng nhanh chóng vì du lịch và thương mại. Còn ở châu Á, chúng ta có thể sẽ thấy nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo trong vài tuần đến vài tháng tới...Vấn đề thực sự đối với các quốc gia châu Á hiện nay là liệu các hệ thống và quy trình phát hiện và giám sát sớm có đủ mạnh để xử lý các ca bệnh khi các ca này xuất hiện hay không", ông nói.
Ông cảnh báo về các biện pháp hạn chế biên giới. “Mặc dù (phần nào) hữu ích như một biện pháp ngăn chặn, nhưng chúng không bền vững và không nhiều quốc gia có thể tiếp tục chịu đựng sau khi đã trải nghiệm đại dịch COVID-19", ông nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn 19.000 trường hợp đậu mùa khỉ đã được báo cáo tại ít nhất 76 vùng lãnh thổ trên toàn cầu - phần lớn ở những nơi vốn không lưu hành virus.
Khoảng một chục địa điểm mới này nằm ở châu Á và Thái Bình Dương.
Tuần trước, Thái Lan báo cáo ca bệnh đầu tiên là một người nước ngoài 27 tuổi ở đảo Phuket. Quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra các cảnh báo về y tế và tăng cường kiểm tra tại các trạm kiểm soát biên giới sau khi có bệnh nhân chạy sang nước láng giềng Campuchia sau xét nghiệm dương tính.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul nói các bệnh viện Thái Lan cũng đã được yêu cầu xét nghiệm cho các bệnh nhân nghi mắc bệnh.
Những nơi khác ở châu Á báo cáo ca bệnh mới là các quốc gia bao gồm Singapore và Ấn Độ. Bộ Y tế Singapore xác nhận tổng cộng 10 ca bệnh bao gồm các ca lây truyền tại địa phương và những ca là người đi du lịch từ Canada, Vương quốc Anh và Đức về.
Ấn Độ cũng đang trong tình trạng báo động cao sau khi xác nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ thứ tư ở thủ đô Delhi. Các nhà chức trách Ấn Độ cho biết họ đã tăng cường việc kiểm tra tại sân bay và một đội y tế cấp cao đã được triển khai tới Kerala để hỗ trợ các cơ quan y tế bang.
Tuyên bố hôm 26/7, Giám đốc khu vực của WHO Poonam K. Singh cho biết nguy cơ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở Đông Nam Á là "vừa phải, nhưng khả năng lây lan ra quốc tế là có thật".
Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, nhưng "một phần đáng chú ý" trong số các ca bệnh toàn cầu là ở những người đồng tính nam và lưỡng tính, theo CDC. Điều đó không có nghĩa là virus lây truyền qua đường tình dục, nhưng cho thấy tiếp xúc da kề da kéo dài là một trong những cách lây lan chính bệnh đậu mùa khỉ.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/dau-mua-khi-xuat-hien-tu-an-do-den-nhat-ban-chau-a-canh-giac-ar690502.html