Đầu năm, đốc thúc chuyện tiêu tiền
Nếu nỗ lực ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tình trạng 'đầu năm thong thả, cuối năm vất vả', thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Nỗi lo năm cũ
Số liệu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đã chính thức được Bộ Tài chính công bố. Theo đó, tính đến hết ngày 31/1/2023 (thời điểm niên hạn ngân sách 2023 kết thúc), ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là hơn 662.588 tỷ đồng, đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về số tương đối (năm ngoái, tỷ lệ giải ngân là 91,42%) và số tuyệt đối (cao hơn 132.000 tỷ đồng).
Năm 2023 là năm có nguồn lực đầu tư rất lớn (trên 711.000 tỷ đồng), do vậy kết quả đạt được là một nỗ lực lớn. Trong đó, phần giải ngân từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội trên 88.998 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Một con số tích cực khác, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2024, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm khá khả quan. Cụ thể, tổng vốn giải ngân năm 2023 của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông - vận tải đạt trên 107.317 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch năm 2023 được giao (127.593 tỷ đồng).
Tuy vậy, mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2023 đã không hoàn thành. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, trong khi có 11 bộ, cơ quan trung ương và 41 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên trung bình cả nước (93,12%), thì vẫn có tới 40 bộ, cơ quan trung ương và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Bên cạnh đó, còn một nguồn lực không nhỏ không được phân bổ hết. Cụ thể, trong tổng số trên 711.559 tỷ đồng vốn Thủ tướng Chính phủ giao, vẫn còn hơn 17.511 tỷ đồng chưa được phân giao chi tiết. Tỷ lệ có thể không lớn (2,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng nguồn lực đã bị lãng phí. Đáng chú ý, trong số này có 3.706 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2023 mà 12 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương xin “trả lại” vì không thể giải ngân được.
Đáng lẽ, khoản vốn trên được điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, dự án. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chấp thuận chuyện điều chuyển vốn, do đã quá thời gian điều chỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Toàn bộ số vốn chưa phân bổ chi tiết nói trên sẽ bị hủy khi kết thúc năm 2023 theo quy định.
Như vậy, chuyển hủy vốn đã xảy ra. Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhiều lần cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công sửa đổi, nếu vốn không được giải ngân hết sẽ bị cắt và trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến việc triển khai trong những năm tiếp theo. Do vậy, các địa phương phải cố gắng và chịu trách nhiệm về việc giải ngân chậm, chứ không thể giải ngân không hết lại đề nghị cắt giảm, điều chuyển, kéo dài vốn.
“Các địa phương phải lưu ý việc xây dựng kế hoạch năm, không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của mình”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả
Điệp khúc “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” trong giải ngân vốn đầu tư công đã nhiều lần được nhắc tới. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2024, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc lại điều này.
Phải đổi mới cách làm, triển khai quyết liệt hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc...
Cũng vì lẽ đó, ngay từ đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền trên 677.349 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Các bộ, ngành, địa phương cũng rất nỗ lực phân bổ chi tiết. Con số cho đến thời điểm cuối tháng 1/2024 là hơn 631.812 tỷ đồng, đạt 96,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng đầu năm cũng tích cực hơn. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tháng 1/2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 16.934 tỷ đồng, bằng 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (1,81%).
Do tháng đầu năm là thời điểm các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn, nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương đều đang nỗ lực để có thể thúc đẩy giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung mới đây yêu cầu các sở, ngành, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải khẩn trương thực hiện ngay từ những ngày đầu năm. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngay ngày đầu tiên của năm 2024, Quảng Ninh thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Năm 2024, vốn kế hoạch thấp hơn năm trước, chỉ ở mức 657.000 tỷ đồng, nhưng thách thức giải ngân vẫn không nhỏ. Đặc biệt, phần vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cần được tập trung thúc đẩy.
Câu hỏi là, liệu năm nay, có thể “tiêu” hết được số tiền này hay không? Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2024, đã chỉ đạo một loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc tập trung giải ngân đầu tư công.
“Phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Phải đổi mới cách làm, triển khai quyết liệt hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển…”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Trong khi đó, với câu hỏi làm sao để tiêu hết hơn 657.000 tỷ đồng trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, đầu tư công không phải liên quan đến một luật, mà là một chuỗi quá trình hoạt động liên quan đến rất nhiều quy định pháp luật, từ đất đai đến môi trường, xây dựng, quản lý rừng, ngân sách…
“Những vướng mắc, khó khăn liên quan đến các lĩnh vực này đã được Chính phủ tập trung giải quyết kể từ đầu nhiệm kỳ, bao gồm cả cải cách thể chế, các vấn đề liên quan đến vật liệu thay thế, giải phóng mặt bằng… Do vậy, giải ngân đầu tư công thời gian qua đạt được những kết quả đáng khích lệ”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói và cho rằng, khi các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 sẽ tích cực hơn.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dau-nam-doc-thuc-chuyen-tieu-tien-d208513.html