Đau thắt lưng dữ dội, đi khám bất ngờ phát hiện sỏi thận 2 bên
Bệnh nhân Ngô Văn S. (39 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) bất ngờ có biểu hiện đau dữ dội thắt lưng trái và đến khám tại BVĐK Nông Nghiệp. Qua thăm khám và làm đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm ổ bụng, chụp CT-Scanner hệ tiết niệu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sỏi thận 2 bên.
Đặc biệt, bên trái bệnh nhân có sỏi khúc nối bể thận niệu quản 2x3cm kèm theo nhiều sỏi trong thận. Các bác sĩ đã chỉ định tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ bên trái để giải quyết tình trạng cho bệnh nhân.
Ngày 08/04/2020, kíp phẫu thuật gồm: BSCKII. Nguyễn Thanh Tùng, ThS. Nguyễn Đình Lâm - Khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện. Sau phẫu thuật 2 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, sức khỏe tốt, không đau, sạch sỏi và đã được xuất viện.
BSCKII. Nguyễn Thanh Tùng cho hay, so với phương pháp trước đây, nội soi tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ là phương pháp kỹ thuật cao, hiện đại, ít xâm lấn, ít đau, hạn chế chảy máu và rút ngắn thời gian nằm viện, thay thế cho mổ mở để điều trị sỏi thận và sỏi thận niệu quản 1/3 trên kích thước > 15mm. Ngoài ra, bệnh nhân hầu như không thấy sẹo, đảm báo tính thẩm mỹ. Tỷ lệ sót sỏi, tái phát sỏi sau nội soi giảm nhiều so với mổ mở lấy sỏi.
Hiện nay, kỹ thuật nội soi thận qua da bằng đường hầm nhỏ đã ứng dụng thành công và thường quy trong điều trị tại bệnh viện. Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp sỏi thận và sỏi niệu quản ở 1⁄2 trên có kích thước lớn hơn 15 mm; những sỏi đã tán ngoài cơ thể nhiều lần nhưng thất bại; sỏi thận kèm các bất thường giải phẫu (như sỏi trong đài có hẹp cổ đài, sỏi trong túi thừa, hẹp phần nối bể thận niệu quản…).
Theo các bác sĩ, sỏi thận là bệnh lý rất phổ biến những nước nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam. Chúng thường hình thành khi nước tiểu lắng cặn khiến các khoáng chất kết dính lại với nhau. Hầu hết các loại sỏi thận đều thoát ra ngoài một cách tự nhiên và có thể khiến người bệnh rất đau. Nếu được phát hiện sớm, sỏi thận sẽ không gây ra các tổn hại lâu dài và quan trọng là người bệnh được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng sau này.
Để đề phòng sỏi tiết niệu, người dân cần uống nhiều nước, ít nhất là 2 lít/ngày. Người bệnh cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều canxi (như sữa bò, các sản phẩm chế biến từ đậu, ốc, cua, tôm, rau câu, rau cần) và các loại thực phẩm có hàm lượng axit oxalic tương đối cao như táo, tỏi, hành tây, cà phê, ca cao, nước chè...