Đấu tranh, trấn áp mạnh tội phạm mua bán người
Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến khá phức tạp. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm này, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu cao nhất là bảo vệ 'quyền con người', bảo vệ 'an ninh con người', góp phần đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Phát huy vai trò cơ quan Thường trực
Qua công tác phát hiện và xử lý các vụ án mua bán người của lực lượng chức năng cho thấy, đây là loại tội phạm có "độ ẩn" cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước và nước ngoài. Qua các vụ án cho thấy, đối tượng gây án thường là đối tượng chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội phạm mua bán người hoặc từng là bị hại, người thân thích với bị hại thực hiện.
Trước tình hình trên, Bộ Công an phát huy vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người…; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm nhiệm vụ, và tổ chức hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con người", bảo vệ "an ninh con người" và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Hằng năm, Bộ Công an đều mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7 đến ngày 30/9. Qua đó, đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật. Bên cạnh đó, công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc "lấy nạn nhân là trung tâm". Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh 590 trường hợp, xác định 337 trường hợp nạn nhân bị mua bán; đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (qua Tổng đài 111) đã tiếp nhận trên 3.100 cuộc gọi; trong đó có 128 ca chuyển tuyến giải cứu, hỗ trợ cho 146 nạn nhân và người có nguy cơ là nạn nhân bị mua bán. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân (tăng 16 nạn nhân được tiếp nhận)…
Ngoài ra, công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt. Qua đó, đã kịp thời thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hiệu quả, minh bạch và khả thi; đồng thời bảo đảm tính tương đồng với luật pháp quốc tế; góp phần tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả công tác.
Nhận diện thủ đoạn tội phạm mua bán người
Theo Cục Cảnh sát hình sự, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đa dạng. Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tiếp xúc trực tiếp khiến công tác phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tội phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới.
Thực tế, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ ra một số phương thức, thủ đoạn của các đối tượng như: Sử dụng nhiều tuyến đường mòn, lối mở hoặc thông qua đường sông bằng ghe nhỏ, qua đường biển bằng tàu, ghe đánh cá của ngư dân,... để đưa người xuất cảnh trái phép sang các nước láng giềng của Việt Nam; lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage,... trong nội địa.
Một thủ đoạn khác là các đối tượng tìm kiếm, tiếp cận làm quen với những bệnh nhân mắc bệnh thận, suy thận có nhu cầu ghép thận, tiến hành môi giới, thỏa thuận giá cả mua bán, tổ chức đưa người bán, người mua thận đi xét nghiệm, làm các thủ tục liên quan, đợi ngày ghép thận và hưởng lợi bất chính. Đơn cử, Công an TP Hà Nội triệt phá 1 vụ, 4 đối tượng về hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (các đối tượng đã gây ra 3 vụ môi giới mua bán thận).
Đó là chưa kể các đối tượng còn lập hội, nhóm kín "Cho và nhận con nuôi" trên mạng xã hội, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi, sau đó đem bán lấy tiền hưởng lợi; tiếp cận với nhân viên y tá, điều dưỡng bệnh viện phụ sản để lấy thông tin, chủ động tìm những phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con nhưng không có nhu cầu nuôi con, sau đó đặt vấn đề xin hoặc mua lại những đứa bé mới sinh rồi tìm người mua để thu lợi bất chính.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng…, đồng thời tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, thời gian tới sẽ chú trọng đổi mới nội dung, đa đạng hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, địa bàn và tập trung tuyên truyền, truyền thông về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người, nhất là lĩnh vực: Xuất, nhập cảnh; ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; lao động ngoài nước; cho, nhận con nuôi; kết hôn có yếu tố nước ngoài… Khai thác, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và kết quả triển khai Đề án 06 phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Quyết liệt triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với tội phạm mua bán người. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh biên giới (trước mắt là cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, từ ngày 1/7/2023 đến hết 30/9/2023)
Để nâng cao hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người, lực lượng CAND nói chung, Cục Cảnh sát hình sự nói riêng sẽ tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua bán người nói riêng đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đề ra và chủ đề của "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2023 để tiếp tục hành động, quyết tâm triển khai thực hiện.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/dau-tranh-tran-ap-manh-toi-pham-mua-ban-nguoi-i702080/