Nằm cách trung tâm TP Huế (Thừa Thiên - Huế) khoảng 5 km về phía tây, khu di tích Hổ Quyền tọa lạc trên vùng đồi Long Thọ, phường Thủy Biều. Đây được xem là công trình kiến trúc cổ "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam và châu Á.
Đấu trường được xây dựng năm 1830 (năm Minh Mạng 11) nhằm phục vụ mục đích tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ. Đây được xem là ngày hội của triều đình và dân chúng.
Đấu trường là một công trình lộ thiên hình vành khăn có kiến trúc hoành tráng thời bấy giờ. Vòng thành trong cao 5,9 m; vòng thành ngoài cao 4,75 m. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145 m, đường kính lòng chảo là 44 m. Vật liệu xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt.
Hơn 100 năm trước, nơi đây từng diễn ra những trận chiến sống còn giữa 2 loài động vật đầy sức mạnh. Trận đấu cuối cùng của voi và hổ được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ. Ảnh: Pierre Dieulefils.
Theo sử sách, các trận đấu không chỉ mang tính giải trí thông thường mà còn xuất phát từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong và là lễ hội lớn do triều đình tổ chức nhằm khích lệ tinh thần thượng võ trong dân chúng.
Dưới thời nhà Nguyễn, voi là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực tối thượng tượng trưng cho triều đại nên phải luôn là kẻ chiến thắng, còn hổ đại diện cho thế lực quân địch hung tàn nên là kẻ thua cuộc. Trận tử chiến giữa voi và hổ chỉ diễn ra mỗi năm một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi quật chết hổ mới thôi.
Chuồng nhốt hổ tham gia trận đấu, nhìn từ trên khán đài xuống. Nơi này có bể chứa để hổ uống nước.
Hệ thống nâng, hạ cửa ở các chuồng nhốt hổ được làm bằng gỗ và dây thừng.
Cố nhà nghiên cứu văn hóa Huế, Hồ Tấn Phan, từng nhận định rằng đấu trường cổ Hổ Quyền là công trình có kiến trúc độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới, dù xét về quy mô, nó không sánh bằng đấu trường Colosseum (Italy) nổi tiếng. Trên thế giới từ cổ chí kim, chưa có triều đại nào trong lịch sử cho xây dựng một công trình phục vụ cho việc đấu giữa hổ và voi.
Hệ thống tai cửa cổ bằng đá dùng để gác thanh gỗ trước cổng vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn.
Tường thành đấu trường được các nghệ nhân phục hồi những họa tiết trang trí theo nguyên bản. Trong ảnh là hình tượng đầu cá chép.
Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành tôn tạo, chỉnh trang cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré với tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng. Công trình hoàn thiện sẽ góp phần gìn giữ di tích, phục vụ du khách tham quan.
Di tích Hổ Quyền ở TP Huế. Ảnh: Google Maps.