Đầu tư cao tốc: Cần sự thấu hiểu
Những ngày vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có lẽ là một trong những từ khóa được tìm kiếm và nhận được sự quan tâm nhiều nhất của dư luận.
Sau hơn 2 năm đưa vào khai thác, trên tuyến cao tốc này vừa xảy ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng ba người trong một gia đình.
Việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã được đặt ra từ lâu. Ảnh: Duy Lợi.
Bên cạnh làn sóng phẫn nộ hướng vào người tài xế điều khiển xe ô tô 7 chỗ vượt ẩu ngoài phạm vi được phép vượt, dẫn đến vụ tai nạn thương tâm, trên mạng xã hội còn không đếm xuể những ý kiến cho rằng tai nạn là do cao tốc… chỉ có hai làn xe.
Lắng nghe ý kiến từ người dân, trực tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì cuộc họp khẩn.
Hai vấn đề được người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương vào cuộc, cấp thiết giải quyết: Rà soát, tổ chức giao thông theo hướng tối ưu nhất với điều kiện hạ tầng hiện có và triển khai nhanh nhất có thể công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn.
Cần phải nói rằng, không phải sau vụ tai nạn mới đây, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới được đưa ra.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ tháng 12/2023, Bộ GTVT đã báo cáo đánh giá và nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Kết quả, 5 tuyến cao tốc được phân kỳ 2 làn xe, chiều dài 371km đang được các địa phương, cơ quan liên quan rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng. Cam Lộ - La Sơn là một trong số đó.
Cần phải nhắc lại, Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, tạo không gian phát triển mới, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Mục tiêu gần hơn là đạt 3.000km cao tốc vào năm 2025.
Trong khi nguồn lực còn hạn chế, trước năm 2020, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội chấp thuận đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc theo quy mô phân kỳ hai làn xe.
Việc phân kỳ đầu tư sẽ giảm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án nhưng cũng có những tồn tại nhất định như hạn chế bề rộng mặt cắt ngang 2 làn xe, với cao tốc hai làn xe nhiều đoạn không có dải phân cách cứng ở giữa; tốc độ khai thác giai đoạn đầu chưa cao…
Với thực tế khai thác, các bất cập đã được nhận diện và đang được khắc phục. Về tổ chức giao thông có thể bổ sung thêm các biển báo chỉ dẫn, thêm chế tài, xử phạt để người dân tuân thủ quy tắc giao thông, chỉ cần tuân thủ đúng thì tai nạn đã được hạn chế. Còn về đầu tư, vấn đề khó khăn nhất vẫn là: Tiền đâu?
Theo báo cáo, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT dự kiến nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng, song, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế, số vốn được phân bổ mới chỉ đáp ứng 66% nhu cầu.
Riêng năm 2024, số vốn đầu tư công Bộ GTVT đăng ký khoảng 71.000 tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại, kế hoạch vốn được phân bổ là 60.000 tỷ đồng.
Khắc phục khó khăn, Bộ GTVT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, phát huy hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian hành trình trên các tuyến cao tốc. 8 đoạn cao tốc được phép nâng tốc độ khai thác từ 80 lên 90km ở thời điểm cuối năm 2023 là một ví dụ điển hình.
Quay trở lại việc đầu tư phân kỳ các tuyến cao tốc, có quan điểm cho rằng: Tại sao không là đồng bộ 4 làn xe (kể cả 4 làn xe hạn chế) thay vì đầu tư hai làn xe? Tôi lại nhớ đến chia sẻ của một cán bộ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT): "Đầu tư cao tốc trong lúc ngân sách còn eo hẹp trước hết là ưu tiên sự đồng bộ. Đồng bộ về thiết kế, vận tốc".
Một xe ô tô chạy từ Bắc chí Nam với vận tốc đồng bộ 80km, 90km/h không phải đi chung làn xe máy, không có xe cắt ngang tại các nút giao đồng mức sẽ an toàn hơn nhiều việc chạy trên QL1 đông đúc dân cư, lúc mát ga 80 - 90km/h nhưng có lúc chỉ đi được 40 - 50km/h. Đó là chưa kể, cao tốc đi qua những vùng đất mới sẽ mở ra những không gian phát triển mới, cơ hội thu hút đầu tư mới cho địa phương.
Ba cái Tết liên tục, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đến thị sát gỡ khó cho công trường giao thông, các địa phương và bộ ngành đã tận lực triển khai và đang tạo ra xung lực mới với những thành quả đáng tự hào. Trong hơn 2 năm qua, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 10 dự án với chiều dài 659km, nâng tổng chiều dài cao tốc lên gần 1.900km.
Thế nhưng, hành trình phát triển hạ tầng giao thông đất nước sẽ khó có thể thực hiện nếu không có sự ủng hộ, thấu hiểu của người dân.
Đó không chỉ là tinh thần tự nguyện hiến đất làm đường như hàng nghìn hộ dân đã làm mà còn là sự chấp hành quy định trong tham gia giao thông, để TNGT được kéo giảm, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, là không cổ súy cho những vi phạm mang tư duy đi đường làng xã lên cao tốc, không để "sai làn" ngay từ trong ý thức…
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dau-tu-cao-toc-can-su-thau-hieu-192240222232110231.htm