Đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, thu phí thế nào?
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình được đề xuất tách đoạn qua Nam Định - Thái Bình thành dự án độc lập, đầu tư theo phương thức PPP và thu phí để hoàn vốn.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, theo đó, kiến nghị tách đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình thành dự án riêng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cụ thể, tuyến cao tốc qua Nam Định - Thái Bình có chiều dài khoảng 60,9km, chiều rộng nền đường 24,75m, quy mô 4 làn xe đầy đủ. Tổng mức đầu tư đoạn tuyến khoảng 18.823 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay). Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 9.312 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT (phương thức đầu tư theo hợp đồng xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) 9.511 tỷ đồng (chiếm 50,5%). Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.
Đối với cao tốc đoạn qua tỉnh Ninh Bình (khoảng 25,3km), sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 6.865 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương khoảng 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 4.865 tỷ đồng triển khai theo hình thức đầu tư công. Bộ GTVT cũng kiến nghị giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản đầu tư dự án này.
Trong khi chờ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư đường cao tốc, để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, bảo đảm hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (chủ trương đầu tư) cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản theo đúng quy định. Theo Bộ GTVT, phương án trên nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan.
Dự kiến thu phí 27,5 năm để hoàn vốn dự án
Liên quan đề xuất tách đoạn Nam Định - Thái Bình thành dự án riêng, tại cuộc họp với Bộ GTVT vào tháng 2/2023, theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, ngày 10/2/2023, UBND tỉnh Thái Bình họp với UBND các tỉnh Nam Định, Ninh Bình để nghe nhà đầu tư và đơn vị tư vấn dự án báo cáo, đề xuất dự án.
Tại cuộc họp, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn đề xuất: Tách dự án qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập, đầu tư bằng vốn ngân sách và không thu phí trên đoạn tuyến này. Còn đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Ưu điểm của phương án trên là đoạn qua tỉnh Ninh Bình được đầu tư bằng vốn ngân sách nên không phải thu phí. Đối với đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP, vốn ngân sách và BOT), thời gian thu phí BOT là 27,5 năm để hoàn vốn dự án, bảo đảm tính khả thi của phương án tài chính.