Đầu tư cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu năm 2024 có gì mới?

Báo cáo BloombergNEF 2024 cho thấy đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển đổi năng lượng đạt mức cao chưa từng có, với trọng tâm là phương tiện giao thông điện khí hóa, năng lượng tái tạo và hiện đại hóa lưới điện.

Hình minh họa

Hình minh họa

Đầu tư toàn cầu đạt mức kỷ lục

Theo báo cáo của BloombergNEF, các khoản đầu tư vào chuyển đổi năng lượng carbon thấp đã đạt 2.100 tỷ USD vào năm 2024, tăng 11% so với năm trước. Những lĩnh vực trọng điểm bao gồm phương tiện giao thông điện khí hóa, năng lượng tái tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của đầu tư vào công nghệ chuyển đổi năng lượng đã chững lại so với mức tăng 24-29% trong những năm trước.

Phân bổ đầu tư theo lĩnh vực

Giao thông điện khí hóa (bao gồm xe điện, xe hai bánh và hạ tầng sạc): Thu hút 757 tỷ USD, cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này trong chiến lược khử carbon toàn cầu.

Năng lượng tái tạo: Đạt 728 tỷ USD, tập trung vào điện gió (trên bờ và ngoài khơi), điện mặt trời, cùng các nguồn năng lượng sinh học như nhiên liệu sinh học và sinh khối.

Lưới điện và lưu trữ năng lượng: Thu hút lần lượt 390 tỷ USD, nhấn mạnh nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.

Những con số này phản ánh chiến lược đầu tư có hệ thống nhằm mở rộng công suất khai thác và phân phối năng lượng sạch, đồng thời cho thấy sự cam kết mạnh mẽ từ các nhà đầu tư toàn cầu trong việc giải quyết thách thức của quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu

Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 818 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Con số này lớn hơn tổng mức đầu tư của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu cộng lại, cho thấy vai trò tiên phong của Bắc Kinh trong cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu.

Theo Albert Cheung, Phó Tổng Giám đốc BloombergNEF, mặc dù đã đạt mức đầu tư kỷ lục, thế giới vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực quan trọng như khử carbon trong công nghiệp, phát triển hydro sạch và công nghệ thu giữ carbon.

Triển vọng của quá trình chuyển đổi năng lượng

Dự báo cho thấy từ năm 2025 đến năm 2030, mức đầu tư toàn cầu cần đạt trung bình 5.600 tỷ EUR mỗi năm để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo lộ trình của Thỏa thuận Paris. Mặc dù còn nhiều thách thức, xu hướng hiện tại đang mở ra kỳ vọng tích cực để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra bền vững và hiệu quả.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dau-tu-cho-qua-trinh-chuyen-doi-nang-luong-toan-cau-nam-2024-co-gi-moi-723824.html