Đầu tư công: Đưa nhanh 'vốn mồi' vào nền kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 là một thách thức không nhỏ. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ xác định đầu tư công tiếp tục đóng vai trò 'đầu kéo' cho toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn thấp, đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ hơn từ cả trung ương và địa phương.

12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 giải ngân đạt gần 24.300 tỷ đồng. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC
Tăng đầu tư công để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng
Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên có nêu, mục tiêu tăng trưởng 8% là nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Khánh thành, đưa vào khai thác 5 đoạn đường cao tốc dịp 30/4
Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, có 5 dự án đường cao tốc được khánh thành, đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30/4. Tương ứng có hơn 226 km đường cao tốc thuộc 4 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua miền Trung và cao tốc Bến Lức - Long Thành được đưa vào khai thác.
Theo đó, một kịch bản đã được đề ra với các động lực cho tăng trưởng trong năm 2025, trong đó đầu tư công được nâng lên với mức 875 nghìn tỷ đồng (tăng gần 40% so với năm 2024). Nguồn vốn này được tập trung cho các dự án trọng điểm như đường cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Cùng với đó là việc cải thiện cơ sở hạ tầng, với các quy hoạch tổng thể chi tiết về sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ và đường cao tốc cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng vốn đầu tư công của Chính phủ là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân hiệu quả có thể kéo theo từ 1,5 - 2 đồng vốn đầu tư xã hội.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp
Việc tăng quy mô vốn đầu tư công trong năm 2025 không chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn là điều kiện bắt buộc để tạo động lực tăng trưởng. Hơn nữa, năm 2025 còn là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần điều chỉnh mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 phấn đấu đạt 100%. Hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định việc giải ngân là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, đường cao tốc, dự án liên vùng có tính lan tỏa cao. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập các tổ công tác để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn tại các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Các bộ, ngành, địa phương cũng nỗ lực thực hiện các giải pháp như: ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch cho các dự án; rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn nhưng còn thiếu vốn theo quy định; xây dựng kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tháng đối với từng dự án ngay từ đầu năm.
Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang rất thấp. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân của cả nước trong 4 tháng đầu năm mới đạt khoảng 14,32% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, một tồn tại lớn đã lặp lại trong những tháng đầu năm này đó là, cùng một cơ chế chính sách, cùng một khó khăn như nhau, nhưng có nơi làm rất tốt, nơi lại chưa tốt. Báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ ra, hiện có một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất tốt, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước, nhưng đối nghịch với kết quả này vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, thậm chí còn chưa thực hiện giải ngân.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư tư nhân và chậm trễ trong cải thiện hạ tầng.
Mới đây nhất, ngày 5/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành, địa phương đến ngày 15/3 chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đã được giao. Đồng thời phê bình các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn hoặc có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Gỡ vướng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần động lực tăng trưởng mạnh mẽ, việc “bơm” nhanh vốn đầu tư công vào xã hội chính là liều thuốc kích thích cần thiết giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút thêm dòng vốn tư nhân và nước ngoài để nền kinh tế bứt phá nhanh hơn.
Tháng đầu của quý II đã kết thúc, trong khi nguồn vốn cần “tiêu” còn rất lớn. Vì thế ngay lúc này rất cần những giải pháp căn cơ và then chốt.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hơn trong việc chuẩn bị dự án, từ khâu lập kế hoạch đến giải phóng mặt bằng, để đảm bảo sẵn sàng triển khai ngay khi được giao vốn. Việc này giúp tình trạng “vốn chờ dự án”, đảm bảo tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn.
Về phía cơ quan quản lý, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và nghiêm túc các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát tất cả các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2025, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công. Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo đúng các quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tư công là “đầu kéo” cho toàn bộ nền kinh tế
Nhìn nhận đầu tư công là “đầu kéo” cho toàn bộ nền kinh tế, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra nhận định cần triển khai có trọng tâm và ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân và các nguồn vốn khác cùng tham gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đồng thời, ông Phong cũng cho biết, cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong việc phê duyệt dự án và điều chỉnh kế hoạch vốn, cũng như gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân cố tình để chậm trễ việc giải ngân nguồn vốn này.