Đầu tư công nửa cuối năm 2024: Phải linh hoạt điều chuyển vốn

Thực tế diễn ra đang dự báo đây là năm sẽ điều chỉnh linh hoạt vốn đầu tư công nhiều lần để đảm bảo tiền được chuyển giữa nơi chưa thể sử dụng sang nơi cần sử dụng.

Bên vốn chờ, bên chờ vốn

Sau khi chuyển trả về Trung ương 377.929 triệu đồng, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh còn lại là 4.706.175 triệu đồng. Đến thời điểm này, việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2024 đã xong, dù có muộn và câu chuyện giải ngân vốn 2024 thì đang rất căng. Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh và các chủ đầu tư, giá trị giải ngân đến ngày 20/5/2024 là 653.788 triệu đồng, đạt 13,89% so với số vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao sau khi UBND tỉnh trả lại kế hoạch vốn. Điều đáng chú ý, trong đó đang diễn ra tình trạng bên thì vốn chờ, bên lại chờ vốn.

Đường Nguyễn Tất Thành, Phan Thiết. Ảnh: N.Lân

Bên vốn chờ, vì vô vàn nguyên nhân vướng víu bởi chủ quan lẫn khách quan nên chưa thể giải ngân. Theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư, với các dự án đã hoàn thành thì chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, để thanh toán dứt điểm cho dự án hoàn thành, tất toán công trình. Với dự án chuẩn bị đầu tư thì việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án còn chậm, dẫn đến nhiều dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn ngay từ đầu năm để thực hiện đấu thầu, thi công. Một thực tế, đến ngày 25/5/2024 mới phân bổ xong chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công 2024. Dù vậy, những trở ngại trên còn có thể khắc phục sớm, với những dự án đang vướng đền bù, giải phóng mặt bằng thì không biết chính xác đến bao giờ. Mấu chốt xoay quanh xác định giá đất cụ thể để có cơ sở tính ra giá đền bù thì hiện, do vài biến cố, công ty có chức năng này hoạt động rất hiếm nên đã chậm, càng chậm hơn…

Trong khi đó, bên chờ vốn hầu hết là những công trình sử dụng vốn từ nguồn thu sử dụng đất. Ở khối huyện thì bình thường. Nhưng vốn từ nguồn thu sử dụng đất ở khối tỉnh thì rất ít nên các dự án có khối lượng thực hiện không có tiền để giải ngân. Vì vậy, hàng loạt công trình đang chờ vốn, có công trình dừng thi công. Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: “Đến ngày 20/5/2024, mới giải ngân được 17.734 triệu đồng, đạt 2,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, các dự án đã có khối lượng thực hiện đến nay khoảng 106.000 triệu đồng không có tiền để thanh toán nên các dự án đã tạm dừng triển khai thực hiện”.

Thi công cầu Hiệp Trí, La Gi. Ảnh: N.Lân

Cuộc đua tránh đọng vốn

Ở diễn biến khác, có một số chủ đầu tư đã có đề xuất giảm vốn kế hoạch năm 2024 đã bố trí cho các công trình do đơn vị làm chủ đầu tư. Điển hình như Ban QLDA ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp đề xuất giảm vốn kế hoạch năm 2024 đã bố trí cho dự án Chung cư sông Cà Ty là 157.750 triệu đồng. Hay UBND thành phố Phan Thiết đề xuất điều chỉnh giảm vốn kế hoạch năm 2024 đã bố trí cho dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Đình Chiểu là 51.000 triệu đồng và dự án chỉnh trang cụm công viên tháp nước, thành phố Phan Thiết là 2.800 triệu đồng. Rồi UBND huyện Tánh Linh đề xuất điều chỉnh vốn kế hoạch năm 2024 đã bố trí cho dự án Dự án Đường N26 thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh là 50.000 triệu đồng… Tất nhiên, động thái trên xuất hiện khi tỉnh kiểm soát chặt chẽ thông qua việc các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết các dự án theo từng tháng cũng như kế hoạch giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 phải đạt trên 95%.

Với mục tiêu trên, câu chuyện dốc sức vượt qua khó khăn và những trở ngại phát sinh bất ngờ trên từng chặng, từ việc phối hợp các bên liên quan trong xây dựng các thủ tục đầu tư cho đến đền bù giải tỏa để có mặt bằng cho thi công, được xem là một cuộc đua. Trước hết là với chính nhiệm vụ phải hoàn thành của các chủ đầu tư. Sau đó mới đến sự đua tranh giữa các chủ đầu tư mà như phát động thi đua giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng trong cuộc họp với cùng nội dung diễn ra đầu tháng 6. Vì vậy, cũng có nghĩa trong hành trình ấy, vốn đầu tư công sẽ được điều hành linh hoạt, chứ không như trước đây, công trình nào không giải ngân hết thì vốn ghi vẫn giữ đó, trong khi các công trình khác cần vốn cho đẩy nhanh thi công thì không có. Nhất là ngay của hiện tại đã cho thấy một thực tế là những dự án, công trình đầu tư sử dụng vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất đang chờ vốn. Khối lượng thi công đã vượt trong khi Kho bạc Nhà nước đang thận trọng, vì việc ứng nguồn khác đã báo hiệu vượt ngưỡng.

Đường ĐT 719B. Ảnh: N.Lân

Thực trạng ấy cũng đã được vạch ra tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm, bằng các biện pháp để tăng thu tiền sử dụng đất, đồng thời điều hành linh hoạt ngân sách theo quy định pháp luật...

Trong khi đó, UBND tỉnh cũng đặt ra quyết tâm trong 6 tháng cuối năm 2024. Bên cạnh chủ động rà soát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các thủ tục thanh toán và thực hiện giải ngân là thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Đối với các dự án, công trình không thực hiện đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

Thực tế trên dự báo đây là năm sẽ điều chỉnh linh hoạt vốn đầu tư công nhiều lần để đảm bảo tiền được chuyển giữa nơi chưa thể sử dụng sang nơi cần sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dau-tu-cong-nua-cuoi-nam-2024-phai-linh-hoat-dieu-chuyen-von-119836.html