Đầu tư công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững

Theo thống kê đồng hồ dân số của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) vào lúc 6 giờ 35 phút ngày 11/7/1987 (giờ Anh quốc), cậu bé quốc tịch người Nam Tư, tên Matej Gaspar ra đời tại TP Zagreb (nay là Thủ đô của Croatia) và đây là nhân khẩu được công nhận là công dân thứ 5 tỷ của thế giới.

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững (Ảnh TT)

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững (Ảnh TT)

Lúc đó, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức lễ kỷ niệm vì coi đó là một chiến thắng mà loài người đã đạt được trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực đã kìm hãm sự sinh trưởng trong lịch sử. Nhưng với dân số 5 tỷ người lúc đó, loài người cũng nhận thức được hiểm họa lớn xảy ra do bùng nổ dân số đưa đến. Do đó, ngày thế giới 5 tỷ người được coi là tiếng chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở mọi người trên trái đất về sự cạn kiệt tài nguyên, môi trường sống bị ô nhiễm, mất cân bằng sinh thái và các quyền của con người không đủ điều kiện để thực hiện.

Trước hiểm họa của “Bùng nổ dân số”, Diễn đàn Dân số Thế giới do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Amrterdam (Thủ đô Hà Lan) vào tháng 11/1989 đã quyết định hàng năm lấy ngày sinh của bé Matej Gaspar (11/7) là Ngày Dân số Thế giới để nhắc nhở các quốc gia và mọi người trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở và bảo vệ chăm sóc sức khỏe...

Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia, mỗi người tự liên hệ với thực tiễn, tình hình dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng trong hành vi dân số mà tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần duy trì, ổn định mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Hằng năm, nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7), Quỹ Dân số Liên hợp quốc lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu để kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn nhân loại...

Ngày Dân số Thế giới (11/7/2024) năm nay, Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã đưa ra chủ đề: “Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển, Cairo 1994 (ICPD)” vì đến năm 2024, tròn 30 năm thực hiện Chương trình hành động ICPD trên toàn cầu chưa giải quyết hiệu quả vấn đề nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình; tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản vẫn còn cao.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được có liên quan đến thai sản. Điều này tương đương với hơn 290 ngàn phụ nữ tử vong mỗi năm; bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đến gần 1/3 phụ nữ trên toàn thế giới. Hiện mới chỉ khoảng 55% phụ nữ có khả năng tự đưa ra quyết định về sức khỏe sinh sản và tình dục của mình; một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở các trung tâm đô thị, đến năm 2050, con số này sẽ là gần 70%.

Từ nay đến năm 2030, nếu chúng ta chi thêm 79 tỷ USD để giải quyết vấn đề nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình và phòng tránh tử vong bà mẹ có thể sẽ ngăn chặn 400 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cứu sống khoảng 1 triệu phụ nữ và tạo ra 660 tỷ USD lợi ích kinh tế.

Trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư. Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân; tuổi thọ của người dân được nâng cao. Việt Nam đã vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới.

Hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới năm nay (11/7/2024), nhân sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển, Bộ Y tế Việt Nam đưa ra chủ đề: “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”, cũng là để nhắc nhở các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân xem xét lại việc thực hiện chương trình dân số ở địa phương mình. Trên cơ sở đó, có biện pháp khắc phục các tồn tại, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành trong thời gian tới...

Qua đó, thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh và bền vững.

Lê Hùng

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/dau-tu-cong-tac-dan-so-la-dau-tu-cho-phat-trien-ben-vung-123835.aspx