Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Thanh Hóa sẽ được bố trí thế nào?
Thanh Hóa thu hút tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công phục vụ cho việc thực hiện dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026 - 2030.
Phấn đấu trở thành một trong nhữngtrung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký Chỉ thị số 15 “Về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Theo đó, mục tiêu và định hướng đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Thanh Hóa là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công phục vụ cho việc thực hiện dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 của tỉnh Thanh Hóa, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao; đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị và Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Bố trí trọng tâm, trọng điểm để triển khai những dự án lớn, mang tính biểu tượng, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không bố trí vốn dàn trải, manh mún. Vốn đầu tư công được lập phù hợp với từng cấp chính quyền, từng cấp ngân sách, phạm vi địa giới hành chính và yêu cầu phát triển của các cấp, các ngành.
Đáng chú ý, tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, số lượng dự án đầu tư vốn ngân sách nhà nước thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ngân sách trung ương thấp hơn khoảng 15 - 20% tổng số lượng dự án; để tập trung cho các dự án lớn quan trọng và không mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng 6 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế quốc tế, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (Xa lộ nông nghiệp), hành lang kinh tế Đông Bắc; phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, gồm: Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), Trung tâm động lực thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng), Trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn - Thạch Thành); các công trình liên tỉnh, liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Đầu tư các công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ sở hạ tầng các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đầu tư các công trình thiết yếu thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin - truyền thông, chuyển đổi số; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; lao động, việc làm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư các công trình đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030
Để triển khai có hiệu quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ủy quyền cho Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các quy định tại Chi thị này và các văn bản liên quan, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, thời gian, tiến độ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đảm bảo đúng quy định.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2026 - 2030 tham mưu UBND tinh trình HĐND tinh quyết định.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn, lập kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Thanh Hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng trình tự và thời gian quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, các chủ đầu tư, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh; đồng thời, tổng hợp nhu cầu và lập kế đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 các nguồn vốn này; báo cáo UBND tỉnh và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/9/2024, để tổng hợp, lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của cả tỉnh theo quy định…
Giao giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ đầu tư căn cứ chức năng, nhiệm vụ và những quy định tại chỉ thị này, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, khẩn trương đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đảm bảo theo quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công năm 2019, chất lượng, hiệu quả và sát đúng với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, báo cáo UBND tỉnh và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trước ngày 10/9/2024.