Đầu tư công: 'Vốn mồi' thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng
Nền kinh tế đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ khi bước vào năm 2022 - năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong tiến trình ấy, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là 'cú hích' cho phục hồi kinh tế.
Chấm dứt giao chậm, giao nhiều lần
Ngay trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2022 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công vừa phải bảo đảm vừa đúng tiến độ, vừa nâng cao chất lượng; phải rà soát từ khẩu chuẩn bị đầu tư, chọn chủ đầu tư, nhà thầu, lập kế hoạch,… đúng quy định và trên tinh thần công khai, minh bạch.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, bước tiến lớn của đầu tư công là giao kế hoạch năm 2022 đáp ứng được yêu cầu theo đúng luật là trước 30/11, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành, địa phương. "Trước kia, nhắc đến đầu tư công, bao giờ cũng là giao chậm, giao nhiều lần. Thực tế bây giờ, giao một lần vào 30/11 là xong", ông Phương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Phương cho biết, vấn đề nằm ở khâu thực hiện, tức là giao kế hoạch chi tiết của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án phải trước 31/12, nhưng về cơ bản, nhiều bộ, ngành, địa phương khó đáp ứng mục tiêu này. Nếu đảm bảo được tiến độ theo quy định, công tác giải ngân sẽ được hỗ trợ rất nhiều, bởi nếu giao kế hoạch đảm bảo trước 31/12/2021 thì trong tháng 1/2022 có thể giải ngân được ngay.
Nhìn lại năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỉ lệ ước giải ngân đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn mức 82,66% cùng kỳ của năm 2020), trong đó, vốn trong nước đạt 83,66%; vốn nước ngoài đạt 26,77%.
Cho rằng năm qua có nhiều yếu tố mới và đặc biệt, ông Phương nhận định giãn cách xã hội, gián đoạn vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá hay phân tán nguồn lực... khiến giải ngân vốn đầu tư công đối mặt với rất nhiều thách thức. Bởi lẽ, đầu tư công là hoạt động kinh tế phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công. Đối với những địa phương từng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vấn đề này thể hiện rõ nhất.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm qua, một điểm mới quan trọng thúc đẩy đầu tư công chính là Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị rất rõ ràng về các nguyên tắc, tiêu chí, bố trí vốn để các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện.
"Triển khai nghiêm túc, chặt chẽ những nội dung mà Nghị quyết đề ra chính là giải pháp để kích thích giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm. Nhờ đó, ngay từ đầu năm mới, đầu tư công sẽ có thể thực sự khẳng định tốt hơn nữa vai trò "vốn mồi" để thu hút vốn xã hội, tạo động lực cho phát triển và đột phá", Thứ trưởng Phương kỳ vọng.
Đầu tư chính là công cụ giúp các thành phần kinh tế phục hồi
Ngay những ngày đầu năm 2022 (11/1), gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, trong đó, tập trung khá lớn vào đầu tư công. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc xác định hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế qua đầu tư công một quan điểm tương đối mới. Đây là phương thức hỗ trợ để chú trọng đến hiệu quả và chất lượng của vốn đầu tư và đòi hỏi cả xã hội phải chuyển đổi nhận thức, tư duy về kinh tế cũng như cách tiếp cận vấn đề.
Cũng theo ông Kiên, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách cần đặt trong một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Vốn đầu tư của Nhà nước sẽ là vốn mồi thu hút các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia các thành phần của các dự án lớn. Chính phủ thực hiện vai trò định hướng những hạng mục nào phân bổ tới doanh nghiệp, đồng thời, các doanh nghiệp có thể tự liên kết với nhau để triển khai, đáp ứng yêu cầu của dự án cũng như Chính phủ.
"Đầu tư chính là công cụ giúp các thành phần kinh tế phục hồi và là động lực cho tăng trưởng. Đầu tư của Nhà nước cần tập trung vào cơ sở hạ tầng, dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội. Đầu tư vừa kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân", chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho biết.
Có cùng ý kiến với ông Kiên, ông Rahul Kitchlu, Quản lý Chương trình Cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, cho biết, khu vực tư nhân sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam và đầu tư công có thể là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của khu vực này. Các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược với quy mô lớn, đặc biệt là các dự án triển khai qua hình thức đối tác công tư là những chương trình đầu tư công quan trọng, có thể kể đến như đường cao tốc Bắc-Nam, các dự án cơ sở hạ tầng lớn như phát triển tàu điện ngầm, xe buýt nhanh trong thành phố, cơ sở hạ tầng điện với các đường dây truyền tải trong các dự án điện./.