Đầu tư đồng loạt dự án hạ tầng giao thông, bài toán khó cho TPHCM
Hoàn thành 6 tuyến metro từ nay đến năm 2035, cùng với đó triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác, điều này đang đặt ra cho TPHCM một bài toán khó trong việc xác định cơ chế, tổ chức nguồn lực, sắp xếp huy động nguồn vốn sao cho đảm bảo tính khả thi.
(KTSG Online) – Hoàn thành 6 tuyến metro từ nay đến năm 2035, cùng với đó triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác, điều này đang đặt ra cho TPHCM một bài toán khó trong việc xác định cơ chế, tổ chức nguồn lực, sắp xếp huy động nguồn vốn sao cho đảm bảo tính khả thi.
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khai mạc ngày 15-7 vừa qua, UBND thành phố đã trình đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đề án này, đến năm 2035, thành phố sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183 km với 6 tuyến metro. Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ cho 6 tuyến giai đoạn từ nay đến năm 2035 là khoảng hơn 871.000 tỉ đồng (36,33 tỉ đô la Mỹ)(1).
Sáu tuyến metro hoàn thành trong vòng chỉ hơn 10 năm tới, vốn đầu tư đến hơn 871.000 tỉ đồng, thực sự là một đề án được kỳ vọng rất lớn trong một sự thách thức cũng không nhỏ về mặt thời gian!
Và không chỉ 6 tuyến metro, trong các năm tới, TPHCM còn có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông khác đang sắp xếp kế hoạch thực hiện, mà hầu như dự án nào cũng được xem là cấp thiết.
Theo các bản tin báo chí đăng tải gần đây, có thể kể đến dự án 5 tuyến đường trên cao kết nối trung tâm thành phố đi các cửa ngõ, gồm 3 tuyến Bắc Nam phía Đông và phía Tây (trong đó có tuyến kết nối cao tốc TPHCM – Mộc Bài về trung tâm thành phố và tuyến dọc theo quốc lộ 13 từ Phạm Văn Đồng đến Vành đai 3); tuyến Đông Tây kết nối qua sân bay Tân Sơn Nhất; tuyến dọc Vành đai 2.
Hiện Sở Giao thông Vận tải đang đề xuất UBND TPHCM cân đối vốn làm tuyến đường trên cao từ nút giao Trạm 2 đến ngã tư An Sương với tổng vốn hơn 15.400 tỉ đồng trong giai đoạn 2024 – 2030. Ngoài ra, tuyến đường trên cao Bắc Nam nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với Nam Sài Gòn cũng được đề xuất với tổng vốn hơn 38.000 tỉ đồng…(2)
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai 5 dự án BOT mở rộng quốc lộ 1, 13, 22, đường trục Bắc – Nam, cầu đường Bình Tiên có tổng mức đầu tư hơn 44.500 tỉ đồng(3); xây 5 cây cầu huyết mạch, gồm cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, có tổng mức đầu tư khoảng 28.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công cuối năm nay và năm 2025…(4)
Còn có thể kể thêm nhiều dự án hạ tầng giao thông đang được thi công hoặc sắp triển khai nhưng chỉ với loạt dự án trọng điểm nêu trên cũng hình dung được rằng đây là một bài toán khó cho TPHCM trong việc xây dựng cơ chế, thu xếp nguồn lực, cân đối bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện trong thời gian chỉ hơn 10 năm như mong muốn.
Thực ra, khi trình các dự án lên lãnh đạo thành phố, các cơ quan tham mưu cũng đã trù liệu các nguồn vốn có thể thu xếp được. Ví dụ, về phương án huy động vốn đối với 6 tuyến metro, TPHCM xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, ngân sách giữ vai trò chủ đạo; ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, phát hành trái phiếu…
Còn đối với các dự án đường trên cao, thành phố kỳ vọng sớm được triển khai nhờ cơ chế mới trong Nghị quyết 98 của Quốc hội, cho phép tỷ lệ vốn góp của ngân sách TPHCM chiếm 50-70% trong tổng vốn đầu tư dự án BOT. Khi có sự tham gia từ 50% vốn của nhà nước thì phần vốn góp còn lại rất phù hợp với năng lực nhà đầu tư(2).
Dù yên tâm với lời giải cho bài toán thu xếp vốn như vậy nhưng có lẽ cũng không thể bỏ qua những biến số phát sinh trong quá trình thực hiện! Nhìn lại thực tế, dự án metro Bến Thành-Suối Tiên dài 20 km khởi công năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng đã phải lùi tiến độ vài lần và dự kiến đến quí 4-2024 mới có thể chính thức vận hành. Dự án được phê duyệt tổng vốn hơn 17.000 tỉ đồng nhưng đến nay đã đội vốn lên mức hơn 43.700 tỉ đồng. Do đó, với 6 tuyến metro dài gần 200 km, tổng nhu cầu vốn hơn 871.000 tỉ đồng, quả là một thách thức rất lớn cho thành phố.
Mặt khác, không chỉ 6 tuyến metro mà còn loạt dự án hạ tầng giao thông khác như đã nêu trên cũng sẽ được triển khai trong cùng khoảng thời gian. Điều này càng khiến việc cân đối nguồn vốn của thành phố trở nên căng thẳng. Với các dự án BOT này, ngân sách thành phố tham gia có thể đến 50-70%, một tỷ lệ không nhỏ cho mỗi dự án. Với nguồn vốn ngân sách, làm sao giải ngân rốt ráo là chuyện đáng bàn. Việc thúc đẩy giải ngân đúng tiến độ đang là vấn đề nổi lên ở nhiều địa phương, không chỉ riêng TPHCM. Năm 2024, TPHCM đã giao và phân bổ vốn đầu tư công hơn 79.200 tỉ đồng, nhưng tính đến ngày 28-6, thành phố mới giải ngân 10.219 tỉ đồng, chỉ đạt 12,8%(5).
Trước thực trạng hạ tầng giao thông còn rất thiếu và ngày càng quá tải, việc đầu tư nhiều và nhanh các dự án như nói trên thực sự là yêu cầu cấp bách, không chỉ lãnh đạo quan tâm mà thiển nghĩ còn là sự mong mỏi của hầu hết người dân TPHCM. Nhưng để điều này không chỉ là định hướng, không chỉ là kỳ vọng tương lai, có lẽ cần xác định thật rõ thứ tự ưu tiên, không thể dàn trải cùng lúc. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế nào phù hợp, việc huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện ra sao để đảm bảo tính khả thi.
———–