Đầu tư đường sắt cao tốc: Đại biểu lo tái diễn tình trạng đội vốn, chậm tiến độ
Thảo luận tại tổ sáng 13/11 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết phải đầu tư dự án. Tuy nhiên, nhìn lại nhiều dự án lớn trước đây, nhiều đại biểu lo ngại sẽ tái diễn tình trạng đội vốn, chậm tiến độ nếu không có những giải pháp quyết liệt.
Cần chuẩn bị kỹ để dự án không kéo dài, đội vốn
Đánh giá chung, các đại biểu tán thành với sự cần thiết đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này. Với đặc thù địa hình Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra sự kết nối, lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng chỉ tập trung vào một số tỉnh, thành phố lớn theo chiều dọc đất nước như hiện nay.
Tuy nhiên, do đây là dự án rất lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, đại biểu Lê Kim Toàn (đoàn Bình Định) đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ về hiệu quả kinh tế, nhất là khả năng thu hồi vốn.
Trong 9 vấn đề góp ý về chủ trương đầu tư dự án của đại biểu , một vấn đề được nhấn mạnh là về thời gian và tiến độ. Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến dự án hoàn thành trong 8 năm, từ năm 2027 đến năm 2035.
Thống nhất với quyết tâm của Chính phủ, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị phải rút kinh nghiệm từ các dự án khác, không được để đại dự án này kéo dài, đội vốn. Theo đại biểu, trước đây đã có những dự án lớn kéo dài và đội vốn rất lớn. Nếu dự án lần này cũng bị kéo dài, với số vốn đầu tư và lãi vay lớn như vậy, khả năng tính hiệu quả sẽ giảm đi nhiều.
"Chúng ta hợp tác với nước nào không quan trọng, nhưng cần chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Nếu như vậy thì mới đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ. Còn không thực hiện được việc này, từ đầu tư đến vận hành, sữa chữa, bảo hành về sau sẽ phải phụ thuộc, có thể trở thành "món nợ" về sau" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, khi thực hiện dự án phải làm chủ được công nghệ và không phụ thuộc, kể cả về bảo trì, bảo dưỡng và phát triển.
Đây cũng là một trong những vấn đề đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn. Theo đại biểu, điểm cốt lõi là cần chuyển giao công nghệ, chúng ta cần làm chủ quá trình đầu tư, tránh việc phục thuộc vào công nghệ từ thời điểm đầu tư cho đến khi vận hành, khai thác.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ), dự án rất cần thiết, lợi ích lan tỏa xã hội lớn. Tuy nhiên, năng lực quản trị của dự án, nhân lực vận hành, chuyển giao công nghệ và làm chủ công nghệ ra sao, để Việt Nam có thể tự lực tự cường xây dựng nền công nghiệp đường sắt do người Việt Nam vận hành và tự xử lý các vấn đề.
Nhấn mạnh dự án vô cùng lớn nên người dân rất lo lắng, đại biểu dẫn chứng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khởi công chính thức năm 2011 dự kiến hoàn thành 2015, nhưng sau 12 lần lỡ hẹn mới chạy chính thức. Dự kiến nguồn vốn ban đầu dự án là 553 triệu USD nhưng sau đó lên 868 triệu USD. Dự án Nhổn - ga Hà Nội cũng 14 lần lỡ hẹn, khởi công năm 2006 dự kiến hoàn thành 2010, nhưng tới nay chưa vận hành toàn tuyến.
"Cả hai dự án đường sắt đô thị nội đô dù không thể so với đường sắt tốc độ cao nhưng đều kéo dài thời gian và đội vốn. Do đó, cần sự chuẩn bị rất kỹ để hoàn thành dự án đường sắt tốc độ cao" - đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng băn khoăn.
Năng lực tổ chức thực hiện cần theo kịp mong muốn
Tại đoàn TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng đây là dự án mà Việt Nam đang rất cần và nên tiến hành. Theo đại biểu, đa số nhân dân và các tầng lớp xã hội ủng hộ chủ trương này của Đảng và Nhà nước. Điều mà cử tri băn khoăn, trong đó có các chuyên gia, nhà quản lý, khoa học, đó là làm sao gắn kết ý muốn và năng lực tổ chức thực hiện.
Chúng ta phải phát triển điện như thế nào để đáp ứng được đường cao tốc này? Các ngành giao thông khác sẽ bị tác động ra sao? Nếu dành tiền đầu tư dự án này thì tác động thế nào đến hàng loạt các dự án đầu tư khác? Nếu ưu tiên vận chuyển cho người sáng uống cafe Sài Gòn, trưa ăn phở Hà Nội mà đẩy chi phí logistic của xã hội lên vì không đầu tư cho dự án khác thì có làm mất khả năng cạnh tranh…? - một loạt câu hỏi được đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra.
Nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ về chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biểu dẫn ra việc hàng loạt dự án trước đây vẫn còn đắp chiếu, gây lãng phí bởi các dự án trên giấy tờ ban đầu rất hiệu quả, nhưng khi tổ chức thực hiện sau 10 năm thành gánh nặng tài chính. Hậu quả là những khu đất vàng bỏ hoang, những đống sắt vụn…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị lưu ý tính an toàn, bởi càng công nghệ cao, tốc độ cao, độ an toàn càng đòi hỏi cao vì xác suất rủi ro cao. Ở các quốc gia như Nhật, Đức…, kỷ luật được kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng ở quốc gia khác, chỉ cần một tắc trách về kỹ thuật thì hậu quả lớn. Tuy nhiên, băn khoăn đó không có nghĩa là bàn lùi, đại biểu khẳng định.
Về hiệu quả tài chính, ngân sách, đại biểu cho rằng nếu cân đối được thì không sao nhưng nếu không đảm bảo, ngân sách phải gánh vài chục năm sau, có nghĩa là con cháu chúng ta phải trả nợ sau này.
Quan tâm đến tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nêu áp dụng khung tiêu chuẩn của Châu Âu. Tuy nhiên, Châu Âu chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có vận tốc lên tới 350 km/h. Nên, việc áp dụng khung tiêu chuẩn Châu Âu là không phù hợp. Hiện nay, chỉ có Trung Quốc mới có tuyến đường sắt tốc độ cao với vận tốc thiết kế 350 km/h, tại sao không áp dụng khung tiêu chuẩn Trung Quốc?
Mặt khác, theo Luật Xây dựng, việc xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cho công trình chỉ được quyết định bởi người có thẩm quyền quyết định đầu tư. Như vậy, khung tiêu chuẩn áp dụng chưa phù hợp với vận tốc và chưa được quyết định. Do đó, sẽ ảnh hưởng nhiều đến công nghệ và tổng mức đầu tư.
Theo chương trình dự kiến, ngày 20/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về nội dung này. Ngày 30/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam./.